Khoảng 16h, Nguyễn Thị Ny (25 tuổi) cùng người bạn ghé quán trà sữa ở trung tâm thương mại tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Cả hai đặt mua 4 cốc trà sữa cho bản thân và 2 người bạn khác cũng đang làm việc tại đây.
Vì mê món trân châu hoàng kim của hãng, nên Ny lựa chọn vị trà có topping này. Một cốc cỡ trung (size M) có giá 70.000 đồng. Phần nước của những người còn lại cũng dao động từ 50.000 đồng đến khoảng 90.000 đồng.
Làm việc ngay trong trung tâm thương mại, cô và đồng nghiệp thường đi mua trà sữa uống vào buổi chiều.
"Nhóm tôi đã thử hầu hết trà của các hãng ở trung tâm, từ bình dân đến đắt tiền. Tôi không nhớ một tháng tiêu hết bao nhiêu tiền cho thức uống này. Có tuần ngày nào tôi cũng uống vì thèm, tuần ít cũng uống 2-3 ngày”, Ny kể với Zing.
Đối với Ny và nhóm bạn, mọi người không quá quan tâm vấn đề giá cả mà chú trọng hợp khẩu vị. Theo cô, việc uống một cốc trà sữa có giá cao giống như tự thưởng cho bản thân, thỏa mãn cơn thèm và có thêm năng lượng làm việc.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Ny cũng uống hãng đắt tiền. "Tôi thấy mua ly trà sữa 90.000 đồng không có gì to tát, ai cảm thấy phù hợp nhu cầu, khả năng tài chính của bản thân thì chi tiền thôi".
Sẵn sàng chi tiền
Nghiên cứu chung của Momentum Works và qlub (Singapore) công bố hôm 16/8 cho thấy người tiêu dùng Đông Nam Á chi 3,66 tỷ USD /năm để mua trà sữa trân châu. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 với 362 triệu USD, xếp trên cả Singapore ( 342 triệu USD ).
Đặng Minh Trường (30 tuổi, chuyên viên hoạch định tài chính của một công ty bảo hiểm tại TP.HCM) không bất ngờ trước những con số thống kê trên. Anh nhận thấy uống trà sữa là sở thích của nhiều người trẻ, bản thân anh cũng là một người thường xuyên đi trà sữa cùng bạn bè.
Một tuần, anh đi trà sữa khoảng 2 lần. Anh lựa chọn đồ uống với mức giá tùy vào tình hình tài chính. Lúc mới nhận lương, anh sẵn sàng uống ly nước giá cao, nhưng cuối tháng sẽ phải dè dặt hơn. Ly trà sữa đắt nhất Minh Trường từng mua có giá 100.000 đồng.
Thỉnh thoảng, anh cùng bạn ghé quán trên đường Hồ Tùng Mậu (quận 1), cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ vì thuận tiện vui chơi, không gian rộng và có thể thoải mái trò chuyện.
Theo anh, một ly trà sữa từ 90.000 đồng là mức giá khá đắt, tuy nhiên những người lựa chọn nó thường cũng có tài chính tốt.
“Với tôi, hương vị không phải lý do chính khi chọn mua đồ uống. Giống nhiều người trẻ khác, tôi đến quán để có không gian tụ họp, trò chuyện với bạn bè, coi trọng không gian và chất lượng phục vụ hơn”.
Thói quen chi tiền cho trà sữa của Minh Trường ở hiện tại đã khác trước đây. Khi mới tốt nghiệp, đi làm, anh thoải mái trong việc mua trà sữa. Ở tuổi 30, anh khắt khe hơn trong chi tiêu vì có nhiều kế hoạch tài chính cần thực hiện.
Kiều Anh (22 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP.HCM) tự nhận mình là "fan cuồng trà sữa". Mỗi ngày cô đều đặn uống 1-2 ly, giá trung bình 35.000-55.000 đồng/ly.
Mỗi tháng, cô tốn ít nhất 2 triệu đồng tiền trà sữa, chiếm một phần lớn lương hàng tháng. Dù nhận thấy tốn kém và tiếc tiền, cô cho biết uống trà sữa đã thành thói quen khó bỏ.
"Là một dân văn phòng, liên tục chịu áp lực deadline, tôi coi trà sữa giống như 'công tắc bật mood'", cô bày tỏ.
Buổi sáng, Kiều Anh thường uống cà phê để tỉnh ngủ, đến chiều cô và đồng nghiệp thường mua trà sữa để thấy vui hơn. Sếp của cô cũng thường mời uống trà sữa như một cách động viên tinh thần nhân viên.
Cô nàng 22 tuổi cho biết ly trà sữa đắt nhất từng mua có giá 90.000 đồng, từ một thương hiệu có tiếng.
"Tôi thấy nó ngon, xứng đáng với giá tiền. Nhưng với giá cao như vậy, tôi chỉ dám uống khi tiền bạc dư dả, như lúc đầu tháng mới nhận lương", Kiều Anh nói.
Huyền (nhân viên telesale, Hà Nội) và Sơn (kinh doanh tự do), cùng sinh năm 1999, đến quán trà sữa trong trung tâm thương mại vì tiện đường đi dạo. Đôi bạn nhận xét giá thành của thương hiệu này được xếp vào nhóm cao trên thị trường. Tổng tiền cho 2 phần nước cỡ trung của hai người là 163.000 đồng.
“Thực ra bọn mình không phải fan của trà sữa nên ít uống, thường thì khi nào thích sẽ ghé bừa vào quán nào đó chứ không quan trọng tên tuổi”, Huyền cho hay.
Theo đôi bạn, không có gì khó hiểu khi có những bạn trẻ sẵn sàng bỏ số tiền lớn, lên đến hàng trăm nghìn đồng để mua một cốc trà sữa.
Trước đây, Huyền cũng từng có thời gian hay uống nước tại Starbucks, dành trung bình khoảng 80.000 đồng cho một phần đồ uống. Cô chia sẻ khi đó không quá quan trọng giá thành và uống vì sở thích.
“Mỗi người có một sở thích, khẩu vị và quan điểm. Hiện, trà sữa ở Việt Nam có rất nhiều hãng, đủ loại giá thành và hương vị, ai cảm thấy chỗ nào vừa ý thì chi tiền”, Huyền nhận xét.
Giá thành đi đôi với giá trị
Xuất hiện tại Việt Nam từ đầu những năm 2000, đến nay, trà sữa vẫn là một trong những món đồ uống được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là giới trẻ. Theo ghi nhận của Zing, 30.000-60.000 đồng là mức giá trung bình phổ biến của một ly trà tại phần lớn hãng, tùy theo kích cỡ (nhỏ - S, vừa - M, lớn - L) và các loại topping đi kèm.
Các thương hiệu được xếp vào tầm trung có thể kể tới như Ding Tea, Feeling Tea, Yi He Tang, Tocotoco, Bobapop, Share Tea, Heytea. Không kể topping gọi thêm, cốc lớn nhất của các hãng này thường không quá 100.000 đồng.
Ở nhóm tầm giá cao hơn là các thương hiệu như Koi Thé, Gong Cha, The Alley, Phúc Long. Tại Koi Thé, một cốc sữa tươi trân châu đường đen cỡ lớn (L) có giá 119.000 đồng.
Ở TP.HCM, khu tứ giác Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng (quận 1) được mệnh danh là phố trà sữa. Thời kỳ văn hóa trà sữa bùng nổ, khu vực này tập trung hàng chục thương hiệu lớn, nhỏ.
Hiện tại, số lượng quán trà sữa tại đây đã giảm do ảnh hưởng của đại dịch. Song những cửa hàng còn lại vẫn kinh doanh tốt, đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày, đa phần là giới trẻ và khách du lịch.
Một nhân viên của cửa hàng Koi Thé trên đường Hồ Tùng Mậu cho biết trong thời kỳ lạm phát, thói quen và nhu cầu của khách hàng trẻ tuổi không thay đổi. Nằm ở khu vực trung tâm, quán thu hút lượng khách lớn, nhiều khách là người nước ngoài.
Cửa hàng Katinat trên đường Huỳnh Thúc Kháng, thuộc chuỗi kinh doanh cà phê và trà sữa tại TP.HCM, cũng có lượng khách lớn. Đặng Thanh (nhân viên cửa hàng) cho biết mỗi ngày, chi nhánh này có khoảng 200 khách, vừa uống tại chỗ, vừa đặt mang đi.
"Tôi thấy nhu cầu uống trà sữa của giới trẻ rất lớn. Đa số khách hàng chọn món này là người trẻ, từ 16 tuổi đến khoảng hơn 30 tuổi, cũng có nhiều khách nước ngoài", Đặng Thanh cho hay.
Món có giá cao nhất trên menu của thương hiệu này là 65.000 đồng, thuộc mức trung bình. Nếu khách đặt qua app, tùy thuộc chính sách của ứng dụng đó, quán có thể tính thêm giá chiết khấu khoảng 20%.
Theo nghiên cứu chung của Momentum Works và qlub (Singapore), ngành trà sữa trân châu ở Indonesia đứng đầu về quy mô thị trường trong khu vực Đông Nam Á, với doanh thu hàng năm đạt 1,6 tỷ USD. Thái Lan đứng thứ 2 với doanh thu 749 triệu USD. Quốc gia này có hơn 31.000 cửa hàng và các kênh bán lẻ trà sữa.
Theo ông Sik Hoe Yong, Giám đốc điều hành của qlub, tình yêu của người tiêu dùng dành cho trà sữa khó mà thay đổi sớm song họ sẽ lựa chọn thương hiệu phù hợp với túi tiền của mình hơn.
Tuy vậy, nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
"Khách hàng quyết định dựa trên việc lựa chọn sản phẩm tại các cửa hàng, cũng như yếu tố dễ dàng tiếp cận, nghĩa là số lượng cửa hàng mà một thương hiệu có tại khu vực, địa phương nhất định".