Tan làm, Minh Anh, nhân viên văn phòng, quyết định lượn một vòng siêu thị trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1). Đây là nơi Minh Anh hay lui tới mỗi khi gặp chuyện phiền não hoặc căng thẳng vì công việc.
Những lần đến đây, cô thường ghé qua quầy hoa quả, thực phẩm đầu tiên. Cách bày trí từ dãy hàng hóa đều tăm tắp, hương thơm đến khung cảnh nhộn nhịp xung quanh mang đến một cảm giác thỏa mãn kỳ lạ.
Vốn chỉ định dạo vài vòng ngắm nghía, nhưng sự hấp dẫn từ các kệ đồ ăn, bánh kẹo khiến cô không thể kiềm lòng mở ví.
“So với đi làm tóc hay massage thì tôi thích lượn siêu thị hơn. Ở đây có nhiều sự lựa chọn, cảm giác mua được món mình thích khiến tôi thấy phấn chấn, dễ chịu. Khi dopamine được giải phóng, tôi cũng nhanh chóng lấy lại tinh thần và xử lý tốt công việc”, Minh Anh chia sẻ.
Cải thiện tâm trạng
Nữ nhân viên văn phòng thường dành 2 buổi/tuần để ghé cửa hàng tiện lợi hoặc bách hóa gần nhà. Ngoài mua thực phẩm, một số đồ dùng cần thiết cho gia đình, cô cũng dành một khoản riêng cho các món ăn vặt.
“Nếu tuần nào chán đi siêu thị, tôi sẽ đổi qua mua sắm ở các tiệm thời trang. Việc xem quần áo mất nhiều thời gian hơn nhưng cũng có hiệu quả tương tự. Hình thức xả stress này có vẻ ‘kinh tế’ nhưng quan trọng là không được vung tay quá mức, nếu không đến cuối tháng nhìn hóa đơn chồng chất sẽ còn áp lực hơn”, Minh Anh nói thêm.
Xu hướng này được gọi là “retail therapy” (tạm dịch: trị liệu bằng việc mua sắm). Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Penn State với nhóm người mua sắm thường xuyên, 62% thừa nhận họ xem sở thích này là lựa chọn để cải thiện tâm trạng.
Tiến sĩ Scott Bea, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Cleveland Clinic, cho biết phương pháp “retail therapy” sẽ kích thích bộ não, giải phóng dopamine khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu.
“Khi thêm các món đồ vào giỏ hàng hay đi dạo siêu thị vài giờ, bạn sẽ thấy trí óc được thư giãn, tinh thần đi lên. Ngay cả mua sắm bằng mắt hoặc xem trực tuyến cũng mang lại cảm giác hạnh phúc cho não bộ”, tiến sĩ Bea nhận định.
Một nghiên cứu khác từ tạp chí Consumer Psychology cũng chỉ ra rằng “retail therapy” không chỉ giúp mọi người phấn khởi hơn mà còn chống lại nỗi buồn kéo dài.
Tâm trạng buồn bã, căng thẳng thường liên quan đến các tình huống diễn ra trong cuộc sống. Hành vi mua sắm được xem là “liều thuốc” giúp khôi phục việc tự chủ cá nhân.
Thống kê của Đại học Michigan còn cho thấy quyết định chi tiền cho những thứ mình thích có thể mang đến cảm giác kiểm soát gấp 40 lần so với việc không mua sắm. Những người thực sự mua hàng cũng có kết quả ít buồn bực hơn gấp 3 lần nhóm chỉ xem mà không mua.
Nhật Vy (24 tuổi, TP.HCM) đã duy trì tần suất đi siêu thị 3-4 lần mỗi tháng trong nhiều năm qua. Mặc dù không có ý định mua hàng, cô vẫn thường lui tới nơi này như một giải pháp xả stress sau nhiều ngày làm việc mệt mỏi.
Chia sẻ với Zing, Nhật Vy cho biết cô có sở thích quan sát những nơi rộng rãi, đa dạng các loại hàng hoá. Vì thế, siêu thị trở thành địa điểm yêu thích của cô.
“Không gian thoáng, thoải mái với nhiều sản phẩm từ các thương hiệu khác nhau được trưng bày một cách có tổ chức làm tôi cảm thấy hứng thú”, cô bày tỏ.
Nhật Vy cho rằng đây là liệu pháp xả stress tiện lợi và đỡ tốn kém. Nhờ đi siêu thị mỗi tuần, cô thường bắt gặp những chương trình khuyến mãi lớn.
“Tôi tiết kiệm được bộn tiền nếu mua hàng đúng đợt giảm giá. Sau mỗi lần như vậy, những căng thẳng trong công việc lại được trút nhẹ phần nào", Vy nói thêm.
Bên cạnh lợi ích giải tỏa căng thẳng, Nhật Vy cũng không cần phụ thuộc vào người bạn đi cùng mà hoàn toàn chủ động thời gian.
“Tùy vào lịch trình cá nhân, tôi có thể tự đi một mình mà không cần rủ thêm ai. Điều này khiến tôi có thời gian thoải mái lựa chọn, bất cứ khi nào cần giúp thì nhân viên đều sẵn sàng. Đây cũng là lý do tôi yêu thích hoạt động này", Vy nói.
Mua sắm tìm niềm vui
Với giới trẻ, việc đi siêu thị để xả stress là giải pháp khá quen thuộc vì mức độ hiệu quả tức thì. Thậm chí, trên mạng xã hội còn có nhóm Siêu thị Therapy, thu hút gần 54.000 thành viên, nơi mọi người chia sẻ với nhau những khoảnh khắc, mẹo mua sắm.
Nguyễn Phúc Nguyên (20 tuổi, quận 12, TP.HCM) cũng tham gia diễn đàn này.
Anh thường chọn các tổ hợp mua sắm như chung cư Tôn Thất Thiệp, The New Playground - nơi tập trung nhiều local brand, phù hợp với túi tiền và phong cách của giới trẻ.
Chàng trai thừa nhận mình là người dễ rơi vào sự mời gọi của quần áo đẹp. Vì thế, Nguyên khó tránh khỏi những lần chi lố tay cho việc mua sắm không chủ đích.
“Có lần tôi đã chi hơn 2 triệu đồng sau khi bước ra từ một cửa hàng thời trang, dù đó là ngày bình thường, không phải dịp lễ gì cả.
Khi sở hữu những thứ mình thích, tôi cảm thấy rất vui và tinh thần đi lên. Nhưng chỉ vài ngày sau, tôi đã hối hận vì quyết định lúc đó của bản thân”, Nguyên kể.
Theo anh, "retail therapy" sẽ rất tốn kém nếu bản thân không biết kiểm soát chi tiêu, vung tay quá mức cho việc mua sắm không tính trước. Rút kinh nghiệm sau nhiều lần như vậy, Nguyên chia nhỏ số tiền dành cho việc xả stress và đặt ra khoản cố định cho từng mục.
“Vốn là người sống khá hưởng thụ, tôi từng tiêu đến 90% tiền lương cho các giải pháp thư giãn. Việc bỏ một món đồ vào giỏ hàng cũng giống như xóa đi nhiệm vụ chưa hoàn thành, khiến âm trạng cũng hưng phấn hơn. Nhưng giờ tôi phải tìm cách để hạn chế thói quen này”, Nguyên chia sẻ.
Tương tự Phúc Nguyên, Nhật Quang cũng rất ưa chuộng xu hướng "retail therapy" để giải tỏa áp lực.
“Miễn không tiêu xài lố tay, cách này hoàn toàn có thể là 'liều thuốc' giúp giảm áp lực một cách hiệu quả", Quang cho hay.
Không chỉ giữ thói quen mua sắm hàng tuần, Nhật Quang còn thích quan sát và tìm hiểu các cửa hàng, siêu thị nước ngoài khi có dịp.
Kiến trúc và không gian của siêu thị khiến chàng trai có cảm giác tách biệt hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Đây là lý do khiến anh hay lượn lờ tại đây dù không có ý định mua sắm.
"Các yếu tố như âm nhạc, mùi hương, ánh đèn cũng mang lại sự dễ chịu kỳ lạ. Ngoài những điểm kể trên, tôi còn ưng ý ở chỗ có thể tự do xem hàng hóa mà không bị làm phiền bởi sự giám sát của nhân viên", Quang nói thêm.