Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung quy định về trách nhiệm của các chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) trong quá trình cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế.
Theo đó, sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT.
Những thông tin này bao gồm: tên người bán hàng; mã số thuế/số định danh cá nhân/CMND/CCCD/hộ chiếu; địa chỉ; số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn (nếu sàn không thực hiện khai thay, nộp thay thuế cho người bán).
Việc cung cấp thông tin được thực hiện hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng chuẩn dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.
Theo Tổng cục Thuế, các thông tin do sàn TMĐT cung cấp quan trọng và cần thiết cho công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT. Do đó, việc bổ sung tại Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin để có cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất là cần thiết.
Nghị định 85/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013 được Chính phủ ban hành vào tháng 9/2021 về TMĐT đã đưa ra các hình thức hoạt động của sàn TMĐT, bao gồm 4 hình thức chính.
Một là website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ. Hai là website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng. Ba là website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Cuối cùng là mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại các điểm trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.
Các website của 4 hình thức sàn TMĐT sẽ có hoặc không có chức năng đặt hàng trực tuyến. Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất đối tượng phải kê khai và nộp thuế thay cá nhân kinh doanh là sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến, đơn cử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…
Mặt khác, các sàn như Chotot, Batdongsan.com… không phải thực hiện nghĩa vụ trên do không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán mà chỉ đăng tin hàng hóa và dịch vụ. Ngoài ra, các sàn TMĐT này không kiểm soát và không có thông tin doanh thu, tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ của các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Bộ Tài chính cho rằng việc yêu cầu các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến kê khai và nộp thuế thay cho người bán phù hợp với quy định tại Nghị định 85/2021.
Theo đó, Nghị định đã quy định rõ 4 quy định trách nhiệm của sàn TMĐT, gồm thông báo nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam của người bán nước ngoài khi tham gia sàn TMĐT; là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng; lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn TMĐT theo quy định của pháp luật về kế toán; liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm.
Qua quá trình kiểm tra thực tế, Tổng cục Thuế cho biết cơ bản các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến đều nắm được thông tin liên quan đến công tác quản lý thuế đối với cá nhân trên sàn.