Hoạt động giao dịch xuyên biên giới trong môi trường thương mại điện tử thời gian qua đặc biệt sôi động song cũng đặt ra những yêu cầu mới cho các nhà quản lý thuế, đặc biệt trong việc tránh thất thu thuế.
Nhằm kịp thời “bịt” lỗ hổng này, ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
“Sau hơn 5 tháng triển khai, đến nay đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký trên Cổng. Số tiền thuế các nhà cung cấp nước ngoài có giao dịch xuyên biên giới đã kê khai, nộp vào ngân sách Việt Nam đạt trên 900 tỷ đồng”- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết ngày 12/9/2022.
Người đứng đầu ngành Thuế còn cho biết, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á triển khai thành công việc khẳng định quyền đánh thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trên cơ sở thành công bước đầu từ việc đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, để tạo điều kiện thuận lợi cho các sàn thương mại trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của Luật quản lý thuế, ứng dụng công nghệ 4.0 và cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Thuế đã triển khai xây dựng Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tiếp nhận thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh từ các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.
Thời gian qua, với sự phát triển của nền kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu và trở thành một phương thức kinh doanh mới, ngày càng đóng vai trò quan trọng, đóng góp to lớn đối với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử cũng đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ với trên 130 đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày. Hàng năm đạt mức tăng trưởng rất cao, năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử vẫn đạt mức 16% với quy mô đạt trên 13,7 tỷ USD; năm 2020, tốc độ tăng trưởng là 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD.
Thực tiễn này đòi hỏi Việt Nam cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử; đồng thời tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.
Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Tổng cục Thuế đã xây dựng, trình Bộ Tài chính phê duyệt Đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Theo đó, liên quan đến xây dựng, hoàn thiện chính sách quản lý thuế, lần đầu tiên đã quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019 về trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở thường trú tại Việt Nam phải trực tiếp đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế.
Cùng đó xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ số trên các nền tảng như Facebook, Google, Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã đưa gần 10.000 cá nhân và trên 4.500 tổ chức có thu nhập từ hoạt động này để thực hiện công tác quản lý thuế. Công tác quản lý thuế đã xử lý tăng thu ngân sách nhà nước với số tiền trên 1.000 tỷ đồng đối với các đối tượng người nộp thuế này.
Ngành Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính thực hiện ký kết Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt tập trung đối với người nộp thuế là cá nhân kinh doanh thương mại điện tử biết và chấp hành, thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.