Theo đó, sản lượng hàng hóa chỉ đạt 75% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do suy thoái của kinh tế thế giới cùng với đó là khó khăn của các doanh nghiệp trong nước khi đơn hàng và hàng hóa hóa xuất nhập khẩu giảm.
Tuy nhiên, sản lượng hành khách lại có sự tăng trưởng cao, tăng tới 270% so với cùng kỳ. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng thể hiện vận tải hành khách đã có sự phục hồi mạnh cho dù mức sản lượng trên cũng chỉ bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm dịch COVID-19 chưa diễn ra).
Nhìn nhận về sự giảm tốc sản lượng hàng hóa của ngành đường sắt, ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay, đây là xu thế chung khi kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giảm sút. Nhưng đánh giá chung thì sản lượng vận chuyển hàng hóa cũng giữ được sự ổn định vì trong năm 2021 và năm 2022, sản lượng vận chuyển hàng hóa của ngành đường sắt đã tăng trưởng rất mạnh.
Về tình hình tái cơ cấu Tổng công ty mẹ - VNR, ông Đặng Sỹ Mạnh thông tin, tiến độ triển khai đề án tái cơ cấu đang thực hiện đúng tiến độ. Trong năm 2022 đã hoàn thành việc sáp nhập các Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2, 3 thành một Ban quản lý dự án đường sắt chung. Cùng với đó, VNR đã thực hiện xong việc thu gọn đầu mối Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy toa xe.
Về việc việc hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội – Haraco và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn – Saratrans, ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết, hiện VNR đã chọn được đơn vị tư vấn để thực hiện việc đánh giá quá trình hợp nhất 2 doanh nghiệp vận tải này, đặc biệt là xác định giá trị tài sản của 2 đơn vị. Quá trình hợp nhất các doanh nghiệp này phải tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về triển khai việc bán vé phục vụ cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 và hè năm 2023, lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội – Haraco cho hay, hiện vé dịp 30/4 tới đã bán hết những ngày cao điểm (27-28/4). Đơn vị cũng tiếp tục bổ sung thêm thêm chuyến để phục vụ nhu cầu của người dân.
Một trong những giải pháp thu hút hành khách quan tâm nhiều hơn đến ngành đường sắt, VNR đã phát động phong trào “Đường tàu - Đường hoa”. Cụ thể, ngày 2/4, tại ga Quảng Bình, VNR đã phát động phong trào này trên phạm vi 34 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua. Phong trào này được thực hiện cơ bản theo mô hình xã hội hóa và dự kiến triển khai thực hiện trong 3 năm (từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2025).
Theo đó, tại các khu ga, trụ sở làm việc, các cung cầu, cung đường, trạm chắn, dải đất dọc hai bên đường sắt… các đơn vị đường sắt căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để xây dựng phương án, trồng một loại hoa mang đặc trưng vùng miền với phương châm “Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến”, giúp du khách dễ nhận diện vùng miền theo cây trồng.
Tổng giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ: “Với phong trào "Đường tàu - Đường hoa", chúng tôi kỳ vọng về lâu dài sẽ hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam, trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với các địa phương và đến với Việt Nam. Đồng thời góp phần huy động tinh thần đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành, hệ sinh thái bền vững”.
Đánh giá về phong trào "Đường tàu - Đường hoa" của ngành đường sắt vừa phát động, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trong chiến lược phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình, vận tải đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, thời gian qua, đường sắt và các đơn vị du lịch lữ hành đã phối hợp chặt chẽ xây dựng sản phẩm du lịch trọn gói, đoàn tàu charter (thuê bao) phục vụ khách đoàn tập thể đến Quảng Bình với nhiều sản phẩm, dịch vụ trên tàu, mang lại hiệu quả cao.
“Đoàn tàu gắn với ký ức, kỷ niệm của nhiều người. Gắn đường sắt, đoàn tàu, nhà ga với hoạt động văn hóa sẽ tạo ấn tượng đẹp cho du khách khi đến với Quảng Bình. Việc triển khai phong trào “Đường tàu - Đường hoa” không chỉ là sự đổi mới của một doanh nghiệp truyền thống về tinh thần phục vụ, xây dựng hoạt động văn hóa mà còn là hành động thiết thực, góp phần hiện thực hóa tinh thần hội nghị văn hóa toàn quốc”, ông Hồ An Phong chia sẻ.