Theo báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 9/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,446 triệu tấn, tăng 23,41% so với tháng 8/2022 và tăng 1,7% so với cùng kỳ 2021; tiêu thụ thép các loại đạt 1,998 triệu tấn, giảm 7,19% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ 2021.
Tính chung 9 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,808 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 19,261 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về tình xuất khẩu, số liệu cập nhật đến tháng 8/2022 cho thấy, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 513,74 nghìn tấn, giảm 16,26% so với tháng trước và giảm 65,82% so với cùng kì năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 457,61 triệu USD, giảm 29,02% so với tháng 7/2022 và giảm 68,25% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 5,92 triệu tấn thép giảm 30,27% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 6,08 tỷ USD giảm 13,35% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là khu vực ASEAN (35,33%), Khu vực EU (19,68%), Hoa Kỳ (10,84%), Hàn Quốc (6,36%) và Hồng Kông (Trung Quốc) (4,37%).
Ngược lại, trong tháng 8/2022, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt 785 nghìn tấn với kim ngạch đạt 848,9 triệu USD, giảm 13,65% về lượng và giảm 17,76% về trị giá so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 8,94% về lượng và giảm 11,29% về trị giá.
Tính chung 8 tháng năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 8,18 triệu tấn với trị giá hơn 8,8 tỷ USD, giảm 7,97% về lượng, nhưng tăng 14,11% về giá trị so với cùng kỳ 2021.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc (46,01%), Nhật Bản (15,67%), Hàn Quốc (11,12%), Đài Loan (9,09%) và Ấn Độ (7,22%).
Về tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép, báo cáo của VSA cho thấy, giá quặng sắt ngày 6/10/2022 giao dịch ở mức 95,45 - 95,95 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), giảm khoảng 2,3 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 9/2022.
Mức giá này giảm khoảng 114-116 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (~ 210 – 212 USD/tấn).
Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc ngày 6/10/2022 giao dịch ở mức khoảng 255,5 USD/tấn FOB, giảm hơn nửa so với mức khoảng 520 USD/tấn hồi tháng 4/2022.
Trong tháng 8/2022, giá thép phế nội địa tăng mạnh từ 400 VNĐ/kg đến 700 VNĐ/kg giữ mức 8.900 đến 10.100 VNĐ/kg; ngược lại giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 405 USD/tấn CFR Đông Á ngày 6/10/2022 giảm 35 USD/tấn so với đầu tháng 9/2022.
Giá điện cực than chì (GE) tại Trung Quốc giảm trong tháng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh tình hình kinh tế nước này xấu đi và nhu cầu thiếu trầm trọng. Các nhà sản xuất điện cực graphite của Trung Quốc (GE) đã bị lỗ tại thị trường nội địa trong tháng 8 (khoảng 20-60 USD/ tấn) do giá lao dốc và tốc độ giảm chi phí sản xuất quá chậm.
Giá cuộn cán nóng (HRC) ngày 6/10/2022 ở mức 569 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, tăng nhẹ 3 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 9/2022.
Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép…) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Nhận định về thị trường thép trong nước từ nay đến cuối năm, VSA cho rằng trong quý 4/2022 mới có thể khởi sắc, bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Tuy nhiên, nhu cầu có tăng hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, cần thời gian để xử lý.
Hơn nữa, tốc độ giải ngân đầu tư công hiện nay vẫn còn khá chậm. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong 8 tháng năm 2022, tiến độ giải ngân đầu tư công mới đạt khoảng 35% kế hoạch năm.
Ngoài ra, nhu cầu của thế giới vẫn đang ở mức thấp nên dù châu Âu và Trung Quốc có đang giảm sản lượng thì Việt Nam cũng chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.