Mới đây, tiếp Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn LG - ông Kwon Bong-seok, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn LG tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực có thế mạnh như thiết bị ô tô và thiết bị cho điện thoại di động, thúc đẩy liên kết đào tạo công nghệ thông tin, trung tâm phần mềm.
Theo đó, LG sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỷ USD nữa. Tập đoàn mong muốn tiếp tục hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực và đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai.
Năm 1995, LG chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam với tên gọi LG Sel Electronics và mở nhà máy tại Hưng Yên, với vốn đầu tư 13 triệu USD cho dây chuyền sản xuất 550.000 sản phẩm/năm. Ban đầu, LG Việt Nam chỉ sản xuất 1 dòng sản phẩm duy nhất là TV CTV.
3 năm sau đó, LG bắt đầu sản xuất màn hình máy tính, tiếp đó là điều hòa, tủ lạnh, máy giặt và trở thành công ty 100% vốn nước ngoài vào năm 2002. Năm 2003, LG lắp đặt thêm 2 dây chuyền công suất 450.000 sản phẩm/năm và phát triển thêm các sản phẩm đầu DVD và TV LCD. Tiếp đó, năm 2004, các dòng điện thoại di động cũng được đưa ra thị trường.
Năm 2013, LG Electronics đã đầu tư một tổ hợp sản xuất điện tử tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Hải Phòng có thể coi như 'thủ phủ' của LG. Tập đoàn LG đã đầu tư 7 dự án tại Khu công nghiệp Tràng Duệ với mục tiêu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm thiết bị nghe nhìn, di động, gia dụng và điện lạnh. Tổng vốn đầu của các dự án thuộc Tổ hợp LG đạt 7,24 tỷ USD, chiếm 38,2% tổng vốn đầu tư FDI vào các KCN, KKT, chiếm 37,13% tổng vốn đầu tư FDI toàn thành phố.
Trong đó có 3 dự án đầu tư thuộc top 20 dự án Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam: LG Display, LG Electronics, LG Innotek.
LG có 27.000 nhân viên, công nhân Việt Nam làm việc trực tiếp trong các nhà máy LG tại Việt Nam và các công ty thành viên có tới 70.000 lao động Việt Nam.
LG Electronics
LG Electronics từ lâu đã trở thành thương hiệu sản phẩm điện tử dân dụng, thiết bị gia dụng quen thuộc đối với mỗi người tiêu dùng Việt Nam.
LG Electronics có quy mô 40 ha, tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD. Nhà máy này sản xuất các thiết bị điện tử như TV, điều hòa, máy hút bụi, máy giặt, tủ lạnh… điện thoại di động chiếm một mảng sản xuất nhỏ.
Tổ hợp sản xuất điện tử của LG Electronics sản xuất, lắp ráp hơn 16,8 triệu sản phẩm điện, điện tử công nghệ cao/năm. Chủ yếu là thiết bị đo điện tử, thiết bị phát thanh kỹ thuật số cho ô tô; mỗi năm sản xuất, lắp ráp 534 nghìn TV màu, TV thông minh (smart TV), 550 nghìn máy điều hoà nhiệt độ, 5,3 triệu máy hút bụi, 1,5 triệu máy giặt và 600 nghìn máy điện thoại di động thông minh (smartphone)... Doanh thu của nhà máy là lớn nhất trong 3 nhà máy.
Hồi đầu tháng 4/2021, hãng đã xác nhận rút lui khỏi mảng kinh doanh thương mại di động. Nguyên nhân khiến LG rút khỏi mảng smartphone là nhiều năm thua lỗ liên tiếp và hãng không cạnh tranh được với hai “ông lớn” Apple và Samsung, cũng như các nhà sản xuất Trung Quốc. Do vậy, nhà máy LG Electronics chuyển sang sản xuất thiết bị gia dụng trên dây chuyền smartphone.
LG Innotek
Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng được xây dựng tại khu công nghiệp Tràng Duệ, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ, Cát Hải, TP. Hải Phòng năm 2016. Nhà máy LG Innotek Hải Phòng được xây dựng trên diện tích 10 ha với tổng vốn đầu tư ban đầu 550 triệu USD, đi vào sản xuất cuối năm 2017. Nhà máy này chuyên sản xuất các loại linh kiện điện tử cho ngành công nghiệp ô tô, di động, modulle camera điện thoại,...
LG Display
LG Display là dự án thứ bảy đầu tư vào Tràng Duệ trong năm 2016. KCN Tràng Duệ do Công ty Cổ phần KCN Sài Gòn Hải Phòng (công ty SHP) làm chủ đầu tư.
LG Display là nhà máy sản xuất và gia công các sản phẩm màn hình công nghệ cao (màn hình OLED, LCD) cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng,...
Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 1,5 tỷ USD. Đây là dự án công nghệ sản xuất màn hình hiện đại được LG Display lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài và là dự án đầu tư FDI lớn nhất tại Hải Phòng thời điểm đó.
Những năm sau đó, LG Display liên tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất của dự án, riêng năm 2021 đã tăng vốn tới 2 lần, một phần nằm trong chiến lược của Tập đoàn LG dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Cho đến cuối năm ngoái, LG Display đã nâng tổng vốn đầu tư lên 4,65 tỷ USD.