Sau nhiều tháng rải hồ sơ xin việc, bạn nhận được một lời mời thử việc. Tuy nhiên, đây lại không phải là công việc bạn ưu tiên. Vì vậy, bạn tiếp tục ứng tuyển vào các công ty khác.
Bạn không muốn bỏ lỡ cơ hội mới tới, nhưng lại chưa sẵn sàng rời khỏi quá trình tuyển dụng. Bạn rơi vào những tình huống khó xử mà mãi không tìm được hướng giải quyết hợp lý.
Dưới đây, Harvard Business Review gợi ý 5 cách ứng xử khéo léo khi bạn đang có nhiều sự lựa chọn công việc cần xem xét.
Xin thêm thời gian cân nhắc
Trước hết, bạn cần thể hiện sự hào hứng của mình với nhà tuyển dụng. Nếu không thể bày tỏ cảm xúc một cách tích cực, bạn có nguy cơ bị rút lại lời đề nghị làm việc.
Bằng cách cho nhà tuyển dụng thấy được thái độ phấn khích và biết ơn, bạn sẽ chứng minh được bản thân thật sự đầu tư và nghiêm túc muốn vào công ty.
Sau đó, bạn nên ngỏ lời xin thêm tối đa một tuần để xem xét lời mời. Bạn nên chú ý tới phản ứng của người phỏng vấn. Nếu phản ứng của họ lạnh nhạt, bạn hãy hỏi họ đâu là khoảng thời gian phản hồi hợp lý nhất.
Bạn nên tránh cung cấp chi tiết thông tin cá nhân. Khi phát hiện ra bạn còn ứng tuyển ở công ty khác, họ sẽ cho rằng bạn không thực sự sẵn lòng làm việc với họ.
Quan sát nhiều hơn
Nếu không thể kiểm soát thời gian xem xét công việc, bạn có thể yêu cầu gặp một người nào đó cùng bộ phận hoặc yêu cầu tham quan văn phòng trước khi đưa ra quyết định.
Cách này giúp bạn có thêm cơ hội cân nhắc kỹ lưỡng lựa chọn của mình.
Có một chuyến đi quan sát nơi làm việc giúp bạn hiểu rõ được văn hóa tại công ty đó.
Bạn hãy nhớ lên lịch gặp mặt hoặc tham quan vào khoảng một tuần sau phỏng vấn. Thời gian này vừa đủ để bạn hoàn thành phỏng vấn với các cơ quan khác.
Từ chối các công ty bạn không hứng thú
Trong thời gian cân nhắc các lời đề nghị làm việc, bạn hãy loại bỏ các công ty không gây hứng khởi cho mình.
Bạn có thể gọi điện hay gửi email để thông báo rằng bạn đã tìm được vị trí khác phù hợp hơn.
Dù có thể bị nhà tuyển dụng ngó lơ, bạn vẫn nên tránh ứng xử thiếu chuyên nghiệp. Trong tương lai, bạn vẫn có thể tận dụng mối quan hệ này.
Hãy cố gắng đối xử một cách tôn trọng và tử tế với bộ phận nhân sự ngay cả khi bạn có trải nghiệm không mấy tích cực trước đó.
Xác định cơ hội của bạn
Bạn hãy liên hệ phía công ty ưu tiên hàng đầu và khéo léo bày tỏ rằng bạn đã có lời mời làm việc khác nhưng vẫn mong muốn được làm việc cho họ.
Tiếp đó, bạn có thể hỏi rằng bạn còn được cân nhắc tuyển dụng không.
Nếu họ nói rằng bạn không phải là một nhân viên phù hợp, bạn nên cân nhắc chuyển việc khác. Ngược lại, bạn còn cơ hội khi họ phản hồi rằng quá trình tuyển người mới vẫn ở giai đoạn sơ lược.
Một khi nhận được câu trả lời tích cực, bạn nên hỏi thêm về các tiêu chí khác cho công việc.
Trong trường hợp phỏng vấn đang ở giai đoạn đầu, bạn có thể yêu cầu xúc tiến quá trình để xác định xem bạn có phải là ứng viên tốt nhất cho công việc hay không. Nếu không được, bạn cần xem xét rủi ro khi từ chối đề nghị trước đó.
Nhận việc, nhưng đi làm muộn hơn
Thông thường, nhân viên mới sẽ bắt đầu làm việc sau khi được thông qua tuyển dụng 2-4 tuần.
Nếu bạn không có nhu cầu kiếm tiền nhanh chóng, hãy nhận việc và yêu cầu làm việc vào khoảng một tháng sau.
Mẹo này giúp bạn có thêm thời gian để hoàn thành buổi phỏng vấn ở các công ty khác. Tuy nhiên, hành động này tồn tại lợi, hại riêng.
Khi đồng ý, bạn sẽ có được một công việc chắc chắn. Trì hoãn việc đi làm chính thức cũng giúp bạn suy nghĩ và đầu tư cẩn thận hơn vào các lựa chọn làm việc khác.
Song, khi bạn thất nghiệp và phải chờ đến một tháng, tài chính của bạn có thể bị ảnh hưởng khá nhiều. Ngay cả khi tiền bạc không phải mối quan ngại, thay đổi quyết định ngay sau khi nhận việc vẫn gây ảnh hưởng đến uy tín của bạn.
Nếu bạn chuyển ý, nhanh chóng thông báo rõ ràng với công ty ban đầu là điều cần thiết. Thay vì gửi email, bạn hãy gọi điện và xin lỗi đàng hoàng với với họ. Điều này khiến bạn chuyên nghiệp và lịch sự hơn dù kết quả có không thoải mái đến đâu.
Bên cạnh đó, công ty thường mất khoảng 60 ngày hoặc hơn để tuyển được người mới. Vì vậy, bạn không nên trì hoãn hay biến mất mà không thông tin trước với họ.
Cuối cùng, bạn lẫn nhà tuyển dụng đều mong muốn tìm được một mảnh ghép phù hợp. Bạn tốt nhất nên từ chối nhận việc nếu bất kỳ đặc điểm nào của công ty như nguyện vọng nghề nghiệp hay văn hóa công sở không phù hợp với bạn.
Thêm vào đó, trung thực, chuyên nghiệp và chủ động giao tiếp là những yếu tố trọng yếu giúp bạn vượt qua những tình huống khó xử khi tìm việc.