Nội dung chính:
- Trung Quốc đã nghiên cứu trồng sầu riêng từ sớm dù khí hậu không phù hợp, đến gần đây, nhờ kỹ thuật canh tác phát triển, đã có những tín hiệu khả quan.
- Trong tương lai gần, Trung Quốc vẫn sẽ phụ thuộc vào sầu riêng nhập khẩu. Chuyên gia cho rằng, các công ty không nên vội vàng mở rộng diện tích trồng sầu riêng, mà cần tập trung tạo ra hương vị khác biệt.
Sầu riêng “chín cây” Hải Nam được người Trung Quốc nhận xét ngon hơn hàng nhập khẩu
Thời gian gần đây, sầu riêng đã lọt vào top tìm kiếm của Taobao, với lượt tìm kiếm có lúc tăng tới 418% trong vòng một tuần. Theo phóng viên Yicai, khi tra cứu từ khóa "sầu riêng" trên nền tảng Xiaohongshu - một phương tiện truyền thông xã hội kiêm nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, có tới 3,1 triệu kết quả trả về, trong khi số kết quả tìm kiếm liên quan đến cherry, loại quả đứng thứ hai về lượng nhập khẩu, chỉ là khoảng 760.000.
Tất cả các chủ đề, từ giá sầu riêng, giống và chất lượng sầu riêng hay cách lựa chọn sầu riêng, phương pháp bảo quản… tất cả đều được người dân Trung Quốc quan tâm. Đặc biệt, việc “tự chủ” sầu riêng cũng được người Trung Quốc chú ý, trong bối cảnh việc trồng sầu riêng tại Tam Á, Hải Nam đã có những kết quả ban đầu.
Theo Yunnan Net News, ông Huang Guanqing, Tổng thư ký Hiệp hội Xúc tiến Hợp tác Nghiên cứu - Đại học Công nghiệp Hải Nam, khi thử một miếng sầu riêng tại Cơ sở trồng sầu riêng Licai Farm, thuộc Khu sinh thái Yucai, thành phố Tam Á đã nhận xét: “Vỏ mỏng, cùi dày, kết cấu mềm dẻo, ăn rất ngon”.
Huang Liwen, một thương nhân trái cây trên thương mại điện tử, cho biết so với hàng nhập khẩu, cô cảm thấy sầu riêng chín cây của Hải Nam có mùi thơm nồng hơn, độ ngọt cao hơn và hương vị tổng thể cũng ngon hơn.
Zhou Zhaoxi, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Tài nguyên giống cây trồng nhiệt đới, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc, cho biết, so với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Đông Nam Á, sầu riêng Hải Nam có thể đạt được độ chín cây, tích lũy chất dinh dưỡng và có hương vị phong phú hơn.
Việc trồng sầu riêng ở Trung Quốc đã bắt đầu ở một số khu vực thuộc Hải Nam từ những năm 1950, nhưng tỷ lệ sống sót rất thấp. Canh tác sầu riêng yêu cầu khắt khe về không khí, độ ẩm, ánh nắng, nhiệt độ, phân bón và nước. Đến năm 2018, các công ty mới quay trở lại thử nghiệm trồng sầu riêng.
“Khi chúng tôi mới bắt đầu trồng, tỷ lệ sống chỉ là 60%, cây chết liên tục được trồng lại, không hề dễ dàng", Du Baizhong, Tổng giám đốc Youqi - một công ty đang trồng sầu riêng tại Tam Á, đã mời các chuyên gia sầu riêng từ Thái Lan và Malaysia truyền dạy kinh nghiệm và tiến hành nghiên cứu tại Viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc. “Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, chúng tôi đã tìm hiểu các phương pháp canh tác phù hợp với địa phương. Ngày nay, tỷ lệ sống sót sau trồng đã đạt 98%”.
So với Malaysia, Thái Lan và các vùng sản xuất khác, Tam Á có lợi thế về thời gian nắng nhưng lượng mưa ít hơn và phân bố theo mùa không đồng đều. Feng Xuejie, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trái cây Nhiệt đới thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam, cho biết ông và cộng sự đã tiến hành thử nghiệm và đánh giá khả năng thích nghi của các giống sầu riêng tại địa phương, đồng thời phát triển các công nghệ tưới tiêu và bón phân tự động, cùng với các mô hình canh tác và công nghệ kiểm soát sâu bệnh hại.
Cục Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Tam Á cho biết họ có kế hoạch xây dựng một trang trại sầu riêng rộng 20.000ha trong vòng 3-5 năm, kỳ vọng rằng Hải Nam sẽ trở thành nhà cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 3 tại thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và Việt Nam.
Ngoài Hải Nam, Zhou Zhaoxi và các cộng sự còn tiến hành nghiên cứu trồng thử nghiệm sầu riêng ở Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên và những nơi khác. Zhou Zhaoxi cho biết: "Chúng tôi đang trồng các giống chịu lạnh. Trong tương lai, vùng trồng sầu riêng thích hợp dự kiến sẽ mở rộng từ đảo Hải Nam về phía Bắc".
Chưa thể tự chủ sầu riêng trong “ngày một ngày hai”
Chen Lei, Tổng thư ký Hiệp hội Phân phối trái cây Trung Quốc, tin rằng việc trồng sầu riêng thương mại quy mô lớn sẽ cần nhiều thời gian và giá không thể giảm đáng kể trong thời gian ngắn. Lấy sầu riêng Elvis Mountain của Thái Lan làm ví dụ, phải mất 6-7 năm từ khi gây giống thành công cho đến khi loại quả này thực sự được thương mại hóa. Sầu riêng “made in China” hiện đang có giá khoảng 60 NDT (gần 200.000 đồng) cho khoảng 600 gram, với số lượng cực kỳ hạn chế.
Vì thế, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục phụ thuộc vào Đông Nam Á cho sầu riêng. Theo thống kê, Trung Quốc nhập khẩu tới hơn 800.000 tấn sầu riêng vào năm 2022.
Trước năm 2022, Trung Quốc có 2 nguồn nhập khẩu sầu riêng chính là Thái Lan và Malaysia, trong đó sầu riêng Thái Lan chiếm phần lớn và Malaysia chỉ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Từ tháng 8/2022, sự hiện diện của sầu riêng Việt Nam dần tăng lên. Sầu riêng Việt Nam, vốn có thời gian vận chuyển vào thị trường Trung Quốc ngắn hơn, đang không ngừng mở rộng thị phần. Dữ liệu hải quan cho thấy, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm đã giúp Việt Nam thu về gần 1,3 tỷ USD.
Philippines mới đây cũng đã có được Nghị định thư để xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc với sản lượng 50.000 tấn. Như vậy, nước này sẽ trở thành nhà cung cấp sầu riêng tươi lớn cho thị trường Trung Quốc, cùng với Thái Lan và Việt Nam.
Dù việc ra mắt sầu riêng nội địa là một tín hiệu khởi sắc đối với Trung Quốc, Zhou Zhaoxi cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục trong việc trồng sầu riêng nội địa quy mô lớn, đặc biệt là việc lựa chọn và thuần hóa cây giống chất lượng cao, nâng cao kỹ thuật canh tác, quản lý cũng như phòng chống dịch, sâu bệnh.
Cần lưu ý, sầu riêng từ Thái Lan và các nước khác đã được người tiêu dùng Trung Quốc công nhận về hương vị và mùi vị. Trong khi hiện nay, sầu riêng nội địa Trung vẫn chưa có giống đặc sản.
Nhiều chuyên gia trong ngành đề cập, do thị trường Trung Quốc vẫn mở rộng, nên sản lượng sầu riêng ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Các công ty Trung Quốc tăng đầu tư, mở rộng diện tích trồng một cách mù quáng. Đối với ngành sầu riêng, trong tương lai, trọng tâm sẽ không phải là giá cả mà là chất lượng và sự khác biệt.
“Hải Nam cần được định hướng bởi các chính sách của Chính phủ, quy hoạch hợp lý các vùng có lợi thế, tập trung vào trồng trọt đa dạng và nghiên cứu phát triển công nghệ, đồng thời tận dụng tốt chính sách cảng thương mại tự do để định vị sầu riêng nội địa là mặt hàng cao cấp” - Zhou Zhaoxi nói với Xinhuanet - “Chính phủ, các tổ chức nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp nên thành lập một liên minh để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành sầu riêng”.