Insider cho biết, tình hình của Meta đang rất cấp bách khi phải đối mặt với tăng trưởng giảm và liên tục bị chỉ trích khi CEO Mark Zuckerberg đặt cược mạo hiểm vào metaverse.
Meta đã mua lại WhatsApp vào năm 2014 với giá 22 tỷ USD. Đây là một số tiền đáng kinh ngạc đối với một ứng dụng nhắn tin đơn giản và miễn phí. Mặc dù ứng dụng này đã có thêm 400 triệu người dùng trong 5 năm, đây vẫn là thương vụ đắt nhất của Meta và hoàn vốn, Insider cho biết.
Trong quý 3/2022, các ứng dụng nhắn tin của Meta thu về 218 triệu USD, doanh thu chủ yếu đến từ tính năng trả tiền của WhatsApp. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng nguồn thu gần 29 tỷ USD của Meta.
Tăng trưởng doanh thu chững lại và cổ phiếu mất giá thúc đẩy công ty tìm kiếm tiềm năng thương mại từ WhatsApp, thậm chí biến nó thành "siêu ứng dụng" như WeChat của Trung Quốc.
Matt Idema, Phó Chủ tịch Business Messaging tại Meta, chia sẻ: “Đây là một thách thức rất lớn. Bài toán của chúng tôi là làm sao để phát triển kinh doanh dựa trên sản phẩm nhắn tin sẵn có”.
Ông Idema cho biết, hiện tại Meta đang xây dựng một chiến lược “nhắn tin doanh nghiệp” nơi các công ty có thể dùng WhatsApp để trò chuyện, quảng cáo hoặc phục vụ khách hàng. Việc ngày càng có nhiều người tương tác với các công ty qua WhatsApp khi đại dịch bùng phát khiến ông nhận ra tiềm năng kiếm tiền từ mô hình kinh doanh này.
Hiện tại, nguồn thu lớn nhất của WhatsApp đến từ việc các nhà quảng cáo trả tiền để gửi tin nhắn đến người dùng để tương tác.
Matt Idema, Phó Chủ tịch Business Messaging tại Meta. Ảnh: Vox
WhatsApp xoay sở tìm cách kiếm tiền
Theo một cựu nhân viên của Facebook, kể từ khi mua lại, công ty luôn cố gắng tìm cách để Whatsapp có thể kiếm tiền và gần đây Meta đang tái khởi động lại chiến dịch này và đưa nó trở thành “vấn đề cấp bách”. Người này cũng cho biết: “Bây giờ đã quá muộn rồi. Đáng lẽ WhatsApp có thể kiếm tiền nhờ tính năng tích hợp thanh toán từ nhiều năm trước”.
Ông Idema công nhận việc WhatsApp đã tốn quá nhiều thời gian để trở thành một phần quan trọng hơn trong bức tranh tài chính của công ty. Ông nói rằng việc xây dựng mô hình kinh doanh cho WhatsApp đã trở thành “việc chúng tôi phải làm”.
Ông Idema cho biết, thời điểm năm 2017 khi ông được bổ nhiệm làm CEO của WhatsApp, ứng dụng này đã có 1 tỷ người dùng nhưng không hề tính đến mô hình kinh doanh. Sau đó, Brian Acton và Jan Koum, 2 nhà đồng sáng lập của WhatsApp, lần lượt rời WhatsApp vào năm 2018 vì họ không đồng ý với cách ứng dụng này kiếm tiền và cách Meta lấy sự riêng tư của người dùng để kiếm lợi nhuận.
Theo ông Idema, trước đó, WhatsApp được sử dụng để “thử hiện một vài thử nghiệm” trong cỗ máy quảng cáo số khổng lồ của Facebook nhưng công ty đã từ bỏ thử nghiệm này vào năm 2020.
Meta hiện đang công khai quan tâm và dành nguồn lực cho WhatsApp. Tháng 5/2022, Meta đã có hội thảo đầu tiền dành riêng cho mảng tin nhắn. CEO Zuckerberg đã khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng liên kết WhatsApp API.
Ông Idema cũng muốn phát triển khả năng bán các phần mềm dịch vụ khách hàng và API của WhatsApp. Theo ông, tính đến năm 2019, khoảng 50 triệu doanh nghiệp đã sử dụng bản API miễn phí của ứng dụng này. “Đã đến lúc kết hợp Facebook Messenger, Instagram Messenger và WhatsApp và đưa chúng thành chiến lược nhắn tin duy nhất”, ông chia sẻ thêm.
Tiềm năng phát triển “siêu ứng dụng” giống WeChat
Các tính năng mới của WhatsApp có thể biến ứng dụng này thành một “siêu ứng dụng”, nơi người dùng có thể giao tiếp, mua sắm, đặt hàng và thanh toán. Ông Idema cho rằng, có rất nhiều thứ họ có thể học hỏi từ WeChat.
WeChat thuộc Tencent và bắt đầu hoạt động vào năm 2011. Với hơn 1 tỷ người sử dụng, chủ yếu ở Trung Quốc đại lục, WeChat phục vụ gần như mọi nhu cầu, từ nhắn tin, chia sẻ thông tin, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn... Ứng dụng này được ví như sự kết hợp của Facebook, Twitter, SnapChat và PayPal.
Tháng 8/2022, WhatsApp đã triển khai quan hệ đối tác với Uber và nhà bán lẻ JioMart ở Ấn Độ, nơi có tới hơn 500 triệu tài khoản WhatsApp. Người dùng ở Ấn Độ có thể gọi xe Uber hay thanh toán mua hàng trên ứng dụng này.
"Một trong những điều của chúng tôi bây giờ chỉ là, làm thế nào để chúng tôi mở rộng quy mô nhanh hơn”, Ajit Varma, Giám đốc Sản phẩm của WhatsApp cho biết.
Vị giám đốc này muốn "mọi công ty trên thế giới" sẽ làm việc với WhatsApp, từ các nhà sản xuất ô tô đến hãng hàng không... Ông cho rằng, ứng dụng này vẫn cần một công cụ thanh toán để biến những tham vọng này thành hiện thực. Hiện tại trên WhatsApp, các khoản thanh toán chủ yếu được giới hạn ở chuyển khoản giữa người với người.
Trước đấy, tỷ phú Elon Musk cũng thể hiện tham vọng muốn biến nền tảng mạng xã hội Twitter trở thành một “siêu ứng dụng”. Ông Elon Musk cho biết việc mua lại Twitter Inc sẽ đẩy nhanh quá trình tạo ra ứng dụng “X, ứng dụng mọi thứ” (X, the everything app) bằng cách đưa thêm nhiều dịch vụ mới vào nền tảng mạng xã hội này.
Ông Musk cho biết: “Tôi thực sự có một tầm nhìn lớn hơn cho X. Đó là một tầm nhìn khá lớn và rõ ràng là có thể bắt đầu lại từ đầu. Nhưng tôi nghĩ Twitter sẽ giúp đẩy nhanh điều đó lên 3 - 5 năm. Đây sẽ là một thứ rất hữu ích cho thế giới”.
“Tôi nghĩ mục tiêu quan trọng với Twitter sẽ là thêm càng nhiều tính năng càng tốt, cả ở trong nước và trên thế giới. Bạn cơ bản có thể sống dựa vào WeChat ở Trung Quốc vì nó quá hữu dụng với cuộc sống hằng ngày, và tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được điều đó, hoặc thậm chí tiến gần hơn nữa. Đó sẽ là một thành công lớn cho Twitter”, vị tỷ phú công nghệ chia sẻ.
Tham khảo: Business Insider