Theo Bloomberg, lượng tiền chảy vào các quỹ đầu tư tài sản phi rủi ro liên quan tới Chính phủ Mỹ - bao gồm trái phiếu chính phủ và hợp đồng mua lại (repo) - đã tăng vọt kể từ khi cuộc khủng hoảng ngân hàng nổ ra.
Nhận xét về điều này, các nhà nghiên cứu tại Barclays - một công ty chuyên điều hành dịch vụ tài chính toàn cầu - cho biết làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng và chuyển sang các quỹ an toàn sẽ còn mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, vì giới đầu tư đang tìm kiếm các tài sản lợi suất cao và an toàn hơn.
“Chúng tôi kỳ vọng số dư ở các quỹ thị trường tiền tệ sẽ tăng mạnh trong năm nay”, ông Joseph Abate - Chiến lược gia mảng thị trường tiền tệ tại Barclays - viết trong báo cáo gửi khách hàng.
“Dù những lo ngại về ngành ngân hàng đã lắng xuống, các quỹ thị trường tiền tệ vẫn thu hút dòng tiền. Nhiều nhà đầu tư tổ chức hiện cảm thấy họ không có đủ lợi suất để bù đắp cho rủi ro gửi tiền không bảo hiểm ở các ngân hàng”, ông giải thích.
Bên cạnh đó, làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng không chỉ đến từ vụ việc SVB mà còn do lợi suất của các quỹ thị trường tiền tệ đã tăng mạnh theo từng đợt nâng lãi suất của Fed.
Được biết, lượng tiền gửi chảy vào các quỹ này đã lập kỷ lục mới trong tháng 3/2023, với 304 tỷ USD được gửi thêm để nâng tổng tài sản toàn ngành lên mức 5.200 tỷ USD.
Trong đó, loại tài sản tiềm năng hiện rất được ưa chuộng bởi các quỹ này là hợp đồng mua lại nghịch đảo (reverse repo - RRP). Tuy nhiên, dòng tiền có thực sự tới với RRP hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào kế hoạch của các quỹ cũng như trạng thái của những tài sản khác. Trong tuần qua, tổng tiền đầu tư vào các hợp đồng mua lại này đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 và đạt 2.375 tỷ USD.
Theo ông Abate, dòng tiền chảy vào các quỹ là cố định nhưng cách mỗi quỹ phân bổ tiền vào tài sản sẽ khác nhau và thay đổi theo mục tiêu ngắn hạn của họ. Do đó, giá trị RPR hay trái phiếu chính phủ có thể tạm thời dao động lên xuống theo lượng tiền đổ vào, và những nhà đầu tư cá nhân nên phân tích kỹ càng trước khi đầu tư.