Theo Vox, mối quan hệ giữa nhân viên văn phòng theo cấp bậc và cấp trên của họ chưa bao giờ có sự bình đẳng hoàn toàn và việc đi làm từ xa tiếp tục xoáy sâu vào sự mất cân bằng này, gây ra sự bất bình lẫn tức giận tại nơi làm việc.
Sau khi cuộc sống quay trở lại nhịp vận hành cũ sau dịch bệnh, nhiều người ở vị trí quản lý đang bắt buộc cấp dưới của họ có mặt ở công ty, song bản thân họ lại không có ý định trở lại văn phòng.
Đáp trả, những nhân viên vẫn tiếp tục làm việc tại nhà hoặc bỏ đi tìm công việc khác.
Mâu thuẫn, cãi nhau xảy ra ở nơi công sở khi sếp bắt nhân viên đi làm đều đặn nhưng sếp vẫn tiếp tục làm việc từ xa.
Yêu cầu bắt buộc
Theo công ty chuyên tìm kiếm nhân sự cấp cao Cowen Partners, khoảng 80% công việc điều hành ở Mỹ hiện trong trạng thái làm việc từ xa, giúp những vị trí quản lý cấp cao nhất trong công ty (C-level) được lấp đầy. Trước dịch bệnh, tỷ lệ này chỉ khoảng 25%.
Những người được coi là sếp trong công ty cho biết họ hoàn toàn đảm bảo khả năng làm việc tại nhà nhờ các ứng dụng công nghệ như Zoom, Slack và Teams. Lợi ích chính là thời gian làm việc linh hoạt, dễ giao tiếp với các đồng nghiệp ở các múi giờ khác trong khi duy trì cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Trong khi đó, hơn một nửa số quản lý và giám đốc điều hành tại Mỹ muốn nhân viên của họ quay lại văn phòng 5 ngày/tuần, theo dữ liệu khảo sát mới của nền tảng công việc tự do Fiverr.
Lý do nhóm người này đưa ra là văn phòng giúp việc truy cập vào máy tính, phần mềm của công ty dễ dàng hơn, cộng thêm đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới phối hợp làm việc tốt hơn khi ở nhà.
Một phần ba trong số các quản lý cấp cao bày tỏ quan điểm rằng nhân viên có động lực hơn khi họ biết mình đang được sếp giám sát trực tiếp, một phần tư cho rằng nhân viên sẽ dành ít thời gian nghỉ ngơi hơn khi ở văn phòng. 25% khác nói rằng công ty đã trả tiền thuê văn phòng, vậy nên họ không thể bỏ phí không gian.
Trong khi nhiều công ty dần chấp nhận sự thật rằng nhân viên không còn thích cuộc sống công sở 5 trên 7 ngày một tuần, nhiều doanh nghiệp cho rằng người lao động không còn lý do nào để trì hoãn việc đến công ty đều đặn.
Rời đi, tìm việc mới
Về phía những nhân viên đi làm, họ cho biết không muốn quay trở lại công ty với cùng lý do giống cấp trên của họ: làm việc hiệu quả hơn, dễ cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.
Một nguyên nhân khác: các sếp có đủ tiền bạc để thuê dịch vụ trông trẻ hoặc có nhà gần trung tâm thành phố, trong khi họ tốn hàng giờ di chuyển đến nơi làm việc và khả năng tài chính không đủ để gửi con nhỏ vào những cơ sở chăm sóc chất lượng.
“Lái xe đến Boston thật là cực khổ, đi phương tiện công cộng cũng là một loại ác mộng. Bạn mang theo túi xách, balo cồng kềnh, 'chiến đấu' với những người khác để về nhà", một nhà thiết kế phần mềm giấu tên, đang làm việc cho một ngân hàng ở Boston nói.
Mặc dù công ty trông đợi nhân viên có mặt ở văn phòng nhiều hơn 1 ngày/tuần, người đàn ông này vẫn tiếp tục làm việc từ xa với lý do năng suất làm việc ở hai nơi không chênh lệch, phần việc đảm nhận không giống như cấp trên phải thường xuyên gặp gỡ đối tác.
Sau đó, ngân hàng này tổ chức các buổi tụ tập hàng tuần sau giờ làm việc để khuyến khích nhân viên quay lại văn phòng. Theo người đàn ông, anh chỉ thích đến phòng tập yoga sau giờ làm, thay vì phải uống rượu cùng các đồng nghiệp.
Khi bị bắt buộc trở lại văn phòng, anh quyết định đi tìm công việc mới.
Tình trạng phức tạp, khó khăn của nền kinh tế hiện tạo ra một loại bế tắc: Những người sử dụng lao động nghĩ rằng người lao động sẽ tìm cách giữ chân công việc hiện tại, chịu chấp nhận có mặt tại nơi làm việc thay vì nghỉ việc và tìm chỗ mới.
Thực tế, thị trường việc làm vẫn rộng mở, với những công việc cho phép làm việc linh hoạt, không phải đến văn phòng vẫn được nhiều người để mắt tới.
Ngay cả cấp quản lý trong một công ty cũng mâu thuẫn với các cấp cao hơn về chuyện được làm ở nhà hay không.
Cuộc chiến để được tiếp tục làm việc tại nhà không chỉ nằm giữa các nhân viên cấp dưới và cấp trên. Ngay cả cấp quản lý cũng xung đột với các sếp cấp cao hơn họ.
Một phó chủ tịch của một công ty truyền thông ở Manhattan đang thúc đẩy việc tiếp tục làm việc ở nhà 2 ngày/tuần thay vì 3 ngày như yêu cầu của công ty. Theo bà mẹ đơn thân này, việc đi lại đến và đi từ văn phòng tốn riêng hơn 3 giờ/ngày.
Cô nói rằng những nhân sự cấp cao nhất tại công ty của cô hoàn toàn làm việc từ xa, nhưng không mở rộng quyền lợi đó cho bất kỳ ai khác.
“Thật không công bằng, ban lãnh đạo luôn được hưởng ưu tiên. Đây chỉ là một cách mới thể hiện sự bất công đó", cô bày tỏ.
Sau những cuộc trao đổi với cấp trên, cô đang cân nhắc đến việc rời đi sau khi tiền thưởng vào năm tới.
Theo khảo sát của Slack's Future Forum, phụ nữ, cha mẹ đang đi làm và nhân viên da màu có nhiều khả năng muốn làm việc từ xa, nói rằng điều này giúp cải thiện đáng kể trải nghiệm của họ tại nơi làm việc.
Nhiều nghiên cứu riêng biệt đã phát hiện ra rằng mọi người cũng làm việc ở nhà hiệu quả như ở văn phòng, vì vậy việc thúc đẩy nhân viên trở lại công ty có thể gây ra cảm giác kiểm soát.
Đáng chú ý, dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ bỏ việc vẫn ở mức cao (2,7%), có nghĩa là người lao động vẫn sẵn sàng nghỉ việc để tìm nơi phù hợp hơn, còn tỷ lệ sa thải vẫn ở mức thấp (1%), cho thấy nhân viên vẫn có quyền lựa chọn.
Theo Tae-Youn, phó giáo sư nghiên cứu về nhân lực tại Trường Quan hệ Lao động và Công nghiệp thuộc Đại học Cornell, càng có nhiều sự chênh lệch giữa người lao động và cấp quản lý thì khả năng gây ra xáo trộn trong tổ chức đó càng cao.
"Nếu các lãnh đạo thực sự muốn nhân viên quay lại văn phòng toàn thời gian, tôi không nghĩ đó là điều khôn ngoan nên làm".