Bạn đã giảm cường độ công việc, không còn thức đêm và bỏ qua các nhiệm vụ được giao thêm mà dường như không có bất kỳ hậu quả nào. Có thể vì cấp trên hoàn toàn tôn trọng ranh giới mới mà bạn đặt ra và giảm bớt khối lượng công việc.
Nhưng hãy cẩn thận. Lựa chọn "quiet quitting" (âm thầm nghỉ việc) cũng có thể khiến bạn rơi vào tầm ngắm bị sếp "quiet fired" (âm thầm đuổi việc), và cuối cùng là thực sự bị sa thải. Các chuyên gia nhân sự cho biết thực tế này đã xảy ra ở một số công ty, theo Wall Street Journal.
Tương tự quiet quitting, thuật ngữ thời thượng chỉ trào lưu từ bỏ nỗ lực của nhân viên, quiet fired mô tả cách cấp quản lý hạ thấp vai trò và tầm quan trọng của nhân sự.
"Nếu bạn đột nhiên không còn được mời tham gia các cuộc họp mình từng góp mặt, hay bị đẩy ra khỏi các dự án, thì đó là dấu hiệu cho thấy ban quản lý không còn coi trọng bạn như trước đây", Victor Assad, cựu giám đốc nhân sự tại Medtronic PLC và Honeywell International Inc. và hiện là nhà tư vấn, cho biết.
Danh sách đen
Các công ty luôn có những cách khéo léo để đẩy nhân viên khỏi doanh nghiệp của mình. Chiến thuật thường là cắt giảm vai trò, từ chối thăng chức hoặc tăng lương để khiến ai đó đủ đau khổ và tự rời đi.
Gallup, một công ty tư vấn và phân tích của Mỹ, báo cáo một nửa số người lao động nước này đang quiet quitting - chỉ làm những gì được yêu cầu trong bản mô tả công việc và không nhận thêm gì khác.
Hai năm qua, các giám đốc điều hành đã phải giải quyết vấn đề này. Paul Lesser, người có thời gian dài làm việc trong lĩnh vực nhân sự tại Fidelity Investments, nói rằng nhiều công ty muốn được coi là biết thấu hiểu với những nhân viên tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Theo ông, đại dịch và các sự kiện biến động đã khiến nhiều người đánh giá lại ưu tiên trong cuộc sống. Sẽ tồi tệ hơn nếu người quản lý yêu cầu họ phải tập trung nhiều hơn vào công việc trong giai đoạn khắc nghiệt đó.
"Ngày càng nhiều doanh nghiệp dự báo suy thoái, mọi công ty đều có những nhân sự hoạt động kém hiệu quả hoặc không có năng suất", ông Lesser nói.
Jay McDonald, một huấn luyện viên điều hành trong hội đồng quản trị của một số công ty ở khu vực Atlanta, cho biết các nhà quản lý ở mọi cấp nên lập danh sách nhân viên để sa thải, nhường chỗ cho những người mới làm việc chăm chỉ và tài năng hơn.
"Một nhà lãnh đạo nên có danh sách đó, ít nhất là trong đầu họ", ông nói.
Nhiều người băn khoăn liệu mình có nằm trong danh sách đó của sếp hay không. Điều đó rất khó đoán biết, đặc biệt ở thời điểm này, khi những nhà quản lý khăng khăng rằng họ không coi trọng chuyện nhân viên không thể cống hiến tới 150% sức lực.
Lãnh đạo cũng bị "âm thầm sa thải"
Ash Wendt, chủ tịch của Cowen Partners Executive Search, cho biết ngay cả những người làm lãnh đạo cũng có thể "bị đưa vào tầm ngắm". Một số doanh nghiệp đã thuê công ty của Wendt để tìm kiếm lãnh đạo thay thế một cách kín đáo.
Người mới do công ty Wendt tìm về sẽ thay thế các giám đốc điều hành, những người sẽ sớm bị đẩy về "nơi chôn lấp bí mật". Năm ngoái, nhóm này chiếm 15% công việc kinh doanh của Cowen, năm nay con số tăng lên 30%.
Những lãnh đạo đương nhiệm có thể bị quiet fired nhiều tháng trước khi bị lật đổ chính thức.
"Các công ty nói rằng họ nhận thấy năng suất của giám đốc điều hành giảm hoặc họ không còn bắt nhân viên chịu trách nhiệm như trước đây", Wendt cho biết.
Tiến sĩ Anisha Patel-Dunn, giám đốc y tế của LifeStance Health, nơi cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm thần ở 32 tiểu bang của Mỹ, cho biết: "Nhiều người lao động không chắc mình đang đứng ở đâu và liệu họ có làm việc đủ hay không, họ đang tìm kiếm sự trợ giúp về những lo lắng liên quan đến công việc".
Cô cảnh báo mọi người không nên đánh giá quá mức mọi sự việc. Việc bị bỏ qua khỏi một dự án không phản ánh việc họ bị sếp đánh giá thấp, ngó lơ.
Tuy nhiên, sự bất ổn của nền kinh tế khiến những người đang làm tại văn phòng hoặc làm việc từ xa phải cảnh giác cao độ với những dấu hiệu đánh giá từ quản lý.
Một khảo sát quy mô lớn của Tập đoàn Microsoft được công bố trong tháng 9 cho thấy khác biệt lớn giữa nhận thức của nhân viên về hiệu suất làm việc từ xa của chính họ so với đánh giá của người quản lý về mức độ hoàn thành công việc ở văn phòng. (Khoảng 87% nhân viên nói rằng họ làm việc hiệu quả nhưng 80% quản lý không đồng ý).
Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella đã mắng các giám sát vì "chứng hoang tưởng về năng suất" và cho rằng mọi người không làm việc chăm chỉ ở nhà.
Một số công ty, bao gồm Goldman Sachs Group Inc. và Meta Platforms Inc., đã khôi phục các đánh giá về hiệu suất để giúp xác định và loại những cá nhân không đạt yêu cầu - vấn đề được bỏ qua trong thời gian đại dịch.
Theo Gartner, 1/3 doanh nghiệp từ vừa đến lớn áp dụng hệ thống giám sát nhân viên kể từ năm 2020. Trước đó, có 1/3 số doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống này.
Leslie Tarnacki, Phó chủ tịch cấp cao về nguồn nhân lực toàn cầu của WorkForce Software, cho biết nếu những người không làm việc tích cực vẫn chưa bị sa thải, đó có thể là do quản lý đang tích trữ vấn đề đủ lớn để dễ dàng loại họ khi đến thời điểm cắt giảm quy mô nhân sự.