Gần đây, khi tin tức về xu hướng dừng cống hiến cho công việc tràn ngập trên Internet, các doanh nghiệp nhân sự, tư vấn, luật và thậm chí cả các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo đã cùng đưa ra lời khuyên về cách chống lại nó.
“Rất hiếm khi nhiều nhà lãnh đạo trong các tổ chức lớn liên tục tham gia vào những giải pháp cho tình trạng trên trong một thời gian ngắn như vậy. Nó được bàn tán rất sôi nổi trên mạng. Đây là điều tôi không thường xuyên thấy”, Ben Granger, nhà tâm lý học tại công ty khảo sát Qualtrics, nói
Đối mặt với trào lưu này, không ít giám đốc điều hành vẫn loay hoay chưa biết phải làm gì với nó, theo Bloomberg.
Ngừng cống hiến cho công việc
Các chuyên gia nhân sự cho biết nhiều người đứng đầu doanh nghiệp lo ngại về việc liệu họ có thể dựa vào nhân viên của mình nếu suy thoái kinh tế kéo dài hay không.
Ngoài vấn đề trên, nhóm này còn suy nghĩ về khả năng sa thải và thay thế những người im lặng nghỉ việc trong một thị trường lao động ngày càng eo hẹp.
Đặc biệt là khi “quiet quitting” dần lan rộng trong nội bộ mà họ không thể phát hiện hay kiểm soát.
“Rất nhiều nhà lãnh đạo và khách hàng mà tôi làm việc cùng, một số người lần đầu tiên sau 30 năm, rơi vào trạng thái sợ hãi với vai trò là nhà tuyển dụng. Họ cảm thấy phải giữ những người không hoạt động hiệu quả”, Erica Dhawan, nhà tư vấn, chia sẻ.
Theo Granger, điều đặc biệt đáng sợ đối với các chủ công ty là tính chất “vô hình” của xu hướng này.
Trong môi trường từ xa hoặc kết hợp, những dấu hiệu “cờ đỏ” như đi muộn và vắng mặt khó có thể phát hiện hơn.
Trong khi phản ứng đầu tiên của nhân viên thường là đổ lỗi cho sự lười biếng dẫn đến ngừng cống hiến, vấn đề còn nằm ở năng lực của cấp quản lý.
Thậm chí, có một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo đã tung ra giải pháp phân tích email và tin nhắn Slack để phát hiện mức độ tương tác, tình trạng kiệt sức, rủi ro về doanh thu mang lại giữa các nhân viên.
Tuy nhiên, theo Caroline Walsh, phó chủ tịch phụ trách nguồn nhân lực tại công ty tư vấn Gartner, bộ phận nhân sự có xu hướng ít lo lắng về những lời bàn tán dành cho nghỉ việc trong im lặng hơn nhóm đảm nhận vị trí quản lý cấp cao.
Điều đó là do họ đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về việc kiệt sức nên hiện tượng này ít gây ngạc nhiên với họ.
Theo một cuộc thăm dò trên 1.200 của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực, hơn nửa số chuyên gia từ các ngành được khảo sát vào cuối tháng 8 lo ngại về “quiet quitting”.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 1/3 cho rằng tình trạng này đang xảy ra trong tổ chức của họ. Con số trên không phù hợp với ước tính gần đây của Gallup khi 50% lực lượng lao động của Mỹ có thể được coi là những người bỏ việc thầm lặng.
Với sự xuất hiện của điện thoại thông minh, mọi người bắt đầu mang theo công việc đi khắp nơi. Bên cạnh đó, nhờ sự gia tăng gần đây của “work from home”, nhà đã thực sự là văn phòng của hàng triệu người Mỹ.
Trong khi những người lớn tuổi ở các vị trí quản lý dần chìm vào sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống không lành mạnh, thì ngừng cống hiến là cách Gen Z phản ứng trước thời cuộc.
Tìm cách giữ chân nhân viên
Theo Go Banking Rates, giải pháp đơn giản nhất cho vấn đề này là đối thoại đơn giản.
Trong nhiều trường hợp, sự phẫn nộ hình thành từ cả hai phía trong nội bộ bởi vì nhân viên không hiểu tại sao họ được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ mới và quản lý không rõ nguyên nhân cấp dưới từng là người đáng tin cậy đột nhiên lại trốn tránh.
“Tôi nghĩ rằng xu hướng bỏ việc trong im lặng có thể không biểu hiện một cuộc khủng hoảng tinh thần mà vấn đề là nằm ở giao tiếp.
Điều quan trọng cần ghi nhớ - đặc biệt là đối với các nhà tuyển dụng - phần lớn tình trạng này không thể đánh giá nhân viên chưa làm tốt công việc của họ. Họ chỉ đơn thuần vạch ra một ranh giới xung quanh những trách nhiệm và không muốn nhận thêm”, Drake Ballew, giám đốc điều hành của Practice Health, nhận xét.
Theo Shep Moyle, giám đốc điều hành Coaching International, những người đứng đầu nên đánh giá lại thành kiến của thế hệ vốn thường cho rằng người trẻ chỉ muốn làm việc ở mức tối thiểu.
Khi nhân viên không nhận thêm nhiệm vụ với mức lương vẫn như cũ, có thể là do công ty không theo kịp với văn hóa công sở đang phát triển.
“Là một cựu giám đốc điều hành, tôi biết mình đã sai lầm khi gửi những email lúc 4h30 hoặc gọi cho cấp dưới vào cuối tuần để giao việc khẩn cấp. Nhiều người đã quen với kỳ vọng nhân viên sẽ cống hiến hết mình, kể ra khi bắt họ làm thêm giờ hoặc vượt quá trách nhiệm được quy định”, Moyle nói.
Đại dịch đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm này. Với việc loại bỏ không gian văn phòng vật lý, các công ty phải tạo ra cảm giác thân thuộc và những lý do thực tế để thúc đẩy người lao động hơn nữa.