Trong gần 5 năm, các thương hiệu Trung Quốc, bao gồm Xiaomi, Oppo và Vivo đã thống trị khoảng một nửa thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ. Kể từ năm 2017, điện thoại thông minh nội địa Ấn Độ đã mất dần vị thế thống trị trước sự tấn công dữ dội của Trung Quốc. Đến năm 2018, Xiaomi là thương hiệu smartphone hàng đầu ở Ấn Độ, chiếm 29,7% tổng doanh số điện thoại thông minh ở đây, theo dữ liệu của IDC.
Nhiều chính sách bất lợi cho smartphone của Trung Quốc tại Ấn Độ
Xiaomi - tự giới thiệu các thiết bị của hãng luôn có mức giá cạnh tranh - đã dần dần xây dựng cơ sở của mình tại quốc gia này trong 5 năm qua và đã gặt hái được nhiều lợi ích. Chính sách định giá mạnh mẽ, thiết bị đáng đồng tiền bát gạo và cơ sở khách hàng trung thành của Xiaomi đã giúp công ty ngày càng phát triển mạnh mẽ trước sự cạnh tranh bất lợi.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Canalys, vị trí thương hiệu số một tại Ấn Độ của Xiaomi đã kết thúc vào quý cuối cùng của năm 2022. “Sau 20 quý, Xiaomi đã đánh mất vị trí dẫn đầu vào quý 4/2022 và rơi xuống vị trí thứ ba với doanh số 5,5 triệu chiếc”, Canalys lưu ý trong báo cáo hàng quý về thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ.
Nhưng trong cả năm 2022, Xiaomi vẫn là thương hiệu số một tại Ấn Độ. Thật không may, thị phần của Xiaomi báo hiệu những thay đổi rộng lớn tại thị trường Ấn Độ đối với điện thoại thông minh Trung Quốc trong bối cảnh chính phủ Ấn Độ đưa ra một loạt cáo buộc về những bất thường tài chính. Theo một số chuyên gia thị trường, một số chính sách tăng cường siết chặt các công ty Trung Quốc ở nước này một phần bị tác động bởi Hoa Kỳ.
Nhiều người có thể không biết rằng sự gia nhập của các nhà cung cấp Trung Quốc đã mở ra thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ, giúp thị trường này phát triển về quy mô và độ phức tạp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất điện thoại thông minh địa phương. Giờ đây, Ấn Độ đã trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai trên thế giới, chính phủ đang gây áp lực pháp lý đối với các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, chính phủ Ấn Độ đã tăng cường trấn áp các công ty Trung Quốc tại nước này, nổi bật nhất là lĩnh vực điện thoại thông minh. Và mục tiêu mới nhất là Xiaomi, từng là thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu ở Ấn Độ nhưng hiện đang phải đối mặt với một số phận không chắc chắn.
Ngày 13/6, tờ The Economic Times của Ấn Độ dẫn các nguồn tin cho biết chính phủ nước này đã yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc tại nước này, bao gồm Xiaomi, Oppo, Realme và Vivo, bổ nhiệm người dân địa phương vào các vị trí quan trọng của công ty, như giám đốc điều hành, giám đốc tài chính và kỹ thuật.
Điện thoại thông minh Trung Quốc sắp "hết thời' ở Ấn Độ?
Trong một ý kiến trên SCMP, Liu Zongyi, thành viên cấp cao kiêm tổng thư ký của Trung tâm Nam Á và Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho rằng việc chính phủ Ấn Độ trừng phạt các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc như Xiaomi chỉ là bước đầu tiên. Ông nói thêm: “Chính sách như vậy có thể sẽ mở rộng với các nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như máy tính xách tay, thiết bị gia dụng và các sản phẩm năng lượng mặt trời”.
Một bài báo riêng của Global Times cho rằng mặc dù chính phủ Modi đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực sản xuất Ấn Độ, nhưng họ vẫn cần các công ty Trung Quốc đạt được mục tiêu trong lĩnh vực điện thoại di động trong thập kỷ tới. Nhưng điều có vẻ chắc chắn là Ấn Độ vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cấm hoàn toàn điện thoại thông minh Trung Quốc khỏi thị trường nước này.
Bộ trưởng CNTT của nước này nói rằng mặc dù các công ty Ấn Độ có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái điện tử của đất nước, nhưng điều đó không có nghĩa là các thương hiệu nước ngoài phải bị loại bỏ để nhường chỗ cho thương hiệu địa phương. Tuy nhiên, điều chắc chắn là chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các công ty Trung Quốc.
Với các hãng điện thoại Trung Quốc, Ấn Độ là thị trường to lớn. Một nửa dân số Ấn Độ vẫn chưa kết nối Internet, tiềm năng thị trường nơi đây vẫn rất dồi dào. Các hãng di động Ấn Độ dù sao vẫn còn khó khăn khi cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc và cả những đối thủ toàn cầu lớn như Apple, Samsung.