Dữ liệu được công bố hôm 10/10 cho thấy, số lượng doanh nghiệp Đức phá sản trong tháng 9 năm nay đã tăng 34% so với một năm trước đó, lên 762 vụ. Và chuyên gia Steffen Müller của IWH dự đoán rằng, số vụ phá sản sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Chi phí năng lượng tăng là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các vụ phá sản. Ngoài ra, chi phí tiền lương và lãi vay cao hơn cũng là những yếu tố quan trọng đè nặng lên doanh nghiệp.
Ông Müller cho biết, sau một thời gian dài có tỷ lệ phá sản cực thấp, đến tháng 11/2022, Đức sẽ nhanh chóng quay trở lại với con số trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Số doanh nghiệp phá sản trong cả năm 2022 sẽ tăng 12 - 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, Đức đã ban hành một loạt chính sách để bảo vệ các doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản, nhưng với thời gian bảo hộ đã trôi qua và diễn biến của cuộc khủng hoảng năng lượng, xu hướng phá sản đang gia tăng trở lại.
Ngoài ra, theo dự báo của IWH, GDP của Đức sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm nay, nhưng sẽ giảm 1,4% trong năm tới.
IWH kết luận trong bản báo cáo mùa thu này như sau: "Nền kinh tế Đức đang đối mặt với suy thoái do nhiên liệu hóa thạch tăng giá mạnh."
Nhiều hóa đơn quá hạn
Bên cạnh sự gia tăng rõ rệt về số lượng doanh nghiệp phá sản, một cơ quan tín dụng khác là Creditreform đã đưa ra những cảnh báo sâu hơn về tình trạng phá sản.
Theo Creditreform, chi phí năng lượng gia tăng đang khiến các doanh nghiệp trì hoãn hoặc không thanh toán hóa đơn. Khắp nước Đức hiện có hơn 2,1 triệu hóa đơn quá hạn, và khoảng 280.000 doanh nghiệp xuất hiện tình trạng nợ quá hạn.
Patrik-Ludwig Hantzsch - Giám đốc nghiên cứu kinh tế của Creditreform - cho biết, bất luận là quy mô nhỏ, vừa hay lớn, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô ở Đức đều đang trì hoãn các khoản thanh toán, thậm chí có doanh nghiệp để quá hạn rồi mới thanh toán. Rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp hiện đang tăng lên gần như theo tuần.
Ông Hantzsch dự đoán rằng, quý đầu tiên của năm 2023 sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các vụ phá sản ở Đức, nhưng hi vọng sẽ không tạo thành một làn sóng phá sản.
Ông Hantzsch giải thích rằng, phá sản doanh nghiệp là việc đúng đắn và quan trọng, và một nền kinh tế dựa trên nguyên tắc thị trường tự do thì không thể giữ cho tất cả các doanh nghiệp cùng tồn tại. Điều này có nghĩa là khi các yếu tố tiêu cực bên ngoài phát sinh, việc một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả bị loại bỏ cũng là điều hợp lý.
Theo Creditreform, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn tiếp diễn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí cả các doanh nghiệp lớn đều có thể rơi vào tình trạng khó khăn, chỉ dựa vào khả năng quản lý rủi ro và điều chỉnh hoạt động của chính doanh nghiệp sẽ không thể giải quyết được vấn đề.
Creditreform nhận định, hầu như tất cả các doanh nghiệp Đức buộc phải bước vào "cuộc chiến một mất một còn" về năng lượng này, hàng loạt doanh nghiệp đang đóng cửa nhanh chóng, và có vẻ như ngay cả những doanh nghiệp "sống sót cuối cùng" cũng có thể bị "tổn thương nặng nề".