Theo Los Angeles Times, khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine đầu năm ngoái, nhiều công ty toàn cầu đã nhanh chóng phản ứng. Trong đó, một số tuyên bố sẽ lập tức rời khỏi Nga, một số khác cho biết sẽ giảm nhập khẩu hàng Nga hoặc giảm đầu tư mới vào nước này.
Các doanh nghiệp nước ngoài đã ghi bút toán giảm hoặc rao bán tài sản gồm các nhà máy, công ty năng lượng, nhà máy điện trị giá hàng tỷ USD, cùng với đó lên án gay gắt cuộc chiến và bày tỏ sự ủng hộ Ukraine.
Tuy nhiên, hơn một năm đã trôi qua, một thực tế dễ thấy là: Rời khỏi Nga không hề đơn giản như thông báo ban đầu mà nhiều doanh nghiệp đưa ra.
Rào cản bủa vây
Moscow ngày càng đặt ra nhiều rào cản đối với các công ty muốn rút khỏi nước này, như yêu cầu phải có sự chấp thuận của một ủy ban chính phủ và trong một số trường hợp cần sự chấp thuận từ Tổng thống Vladimir Putin; đặt ra các yêu cầu chiết khấu và thuế với giá bán tài sản…
Dù câu chuyện của mỗi doanh nghiệp không giống nhau, nhưng tình hình chung là họ phải vượt qua rào cản: Một bên là các lệnh trừng phạt của phương Tây và dư luận phẫn nộ; và một bên là nỗ lực cản trở và trừng phạt những công ty rút khỏi thị trường.
Bất chấp quyết định rút lui, một số thương hiệu quốc tế như Coca-Cola và Apple đang cố gắng trở lại Nga một cách phi chính thức thông qua các nước thứ ba.
Trong khi đó, nhiều công ty chỉ đơn giản ngồi im một chỗ, lấy lý do là trách nhiệm với cổ đông và nhân viên, hoặc nghĩa vụ pháp lý với các bên nhượng quyền hoặc đối tác địa phương. Một số công ty khác lập luận rằng họ đang cung cấp các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nông sản hoặc thuốc men. Một số khác lại giữ im lặng.
Vài tuần gần đây, hàng tối chuỗi thời trang Benetton đến từ Italy đều bận rộn đón tiếp khách hàng mua sắm. Còn cửa hàng bán lẻ nội y Calzedonia của Ý, người mua sắm rộn ràng mua sắm tất và đồ bơi. Cả hai công ty đều không trả lời các câu hỏi của báo chí gửi qua email.
Với người tiêu dùng ở Moscow, việc mua sắm hàng hóa không có nhiều thay đổi. Dù cửa hàng sản phẩm cho trẻ em Mothercare đã được đổi tên thành Mother Bear khi về tay chủ sở hữu mới bản địa, hầu hết các mặt hàng của hãng bày bán tại trung tâm thương mại Evropeisky vẫn mang thương hiệu Mothercare.
Đó cũng là những gì Alik Petrosyan, một sinh viên, ghi nhận khi mua sắm tại Maag - doanh nghiệp hiện sở hữu các cửa hàng thời trang trước đây thuộc về Zara ở Moscow.
“Chất lượng không thay đổi gì cả, mọi thứ vẫn như cũ. Giá cả cũng không thay đổi nhiều, bất chấp lạm phát và các kịch bản kinh tế xảy ra năm ngoái”, Petrosyan nói.
Ban đầu, làn sóng rút khỏi thị trường Nga được dẫn đầu bởi các nhà sản xuất ô tô lớn, các công ty dầu khí, công nghệ và dịch vụ chuyên nghiệp. BP, Shell, Exxon Mobil và Equinor đã chấm dứt liên doanh hoặc ghi bút toán giảm tài sản số cổ phần trị giá hàng tỷ USD. Chuỗi cửa hàng ăn nhanh Mỹ McDonald's đã bán 850 nhà hàng của mình cho một công ty nhượng quyền địa phương, còn hãng xe Renault của Pháp đã nhận một số tiền tượng trưng khi bán phần lớn cổ phần của mình tại Avtovaz - nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Nga.
Kể từ sau làn sóng ban đầu đó đã xuất hiện các tình huống mới. Đó là những doanh nghiệp nằm im chờ đợi, những doanh nghiệp chật vật thanh lý tài sản và cả những doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động như bình thường.
Theo cơ sở dữ liệu của Đại học Yale (Mỹ), hơn 1.000 doanh nghiệp công khai cho biết sẵn sàng giảm hoạt động tại Nga nhiều hơn yêu cầu của các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, phía Nga cũng liên tục đưa ra thêm các yêu cầu với những doanh nghiệp này. Gần đây nhất là yêu cầu nộp “thuế rút lui tự nguyện” 10% trực tiếp cho Chính phủ, bên cạnh quy định bán tài sản với giá chiết khẩu 50%.
Tổng thống Nga Putin gần đây thông báo Chính phủ sẽ tiếp quản tài sản của công ty năng lượng Phần Lan Fortum và công ty tiện ích Uniper của Đức, ngăn chặn việc mua bán tài sản liên quan tới hai công ty này với mục đích bù đắp cho việc phương Tây tịch thu thêm tài sản của Nga ở nước ngoài.
Tháng 3/2022, hãng bia Đan Mạch Carlsberg thông báo ý định rút đầu tư tại chi nhánh ở Nga - một trong những cơ sở ủ bia lớn nhất Nga. Tuy nhiên, công ty này đang gặp khó khăn trong việc làm rõ sự ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt và khó tìm bên mua phù hợp.
“Đây là một quy trình phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn kỳ vọng ban đầu của chúng tôi. Nhưng giờ đây mọi thứ đã gần hoàn tất”, bà Tanja Frederiksen, giám đốc truyền thông toàn cầu của Carlsberg, cho biết,
Bà cho biết chi nhánh tại Nga là một phần gắn liền của Carlsberg và việc tác cơ sở này có liên quan tới tất cả các bộ pận của công ty và tiêu tốn khoảng 15 triệu USD đầu tư vào thiết bị ủ bia và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mới.
Một hãng bia lớn khác, Anheuser-Busch InBev, cũng đang cố gắng bán cổ phần tại liên doanh ở Nga cho đối tác Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Efes và đã phải từ bỏ doanh thu từ liên doanh này.
Lạc lối giữa "tam giác Bermuda"
“Các doanh nghiệp (quốc tế) đang lạc lối ở ‘Tam giác Bermuda’ giữa các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu, trừng phạt của Mỹ và trừng phạt của Nga”, ông Michael Harms, giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Đông Đức, nhận xét.
Theo ông, các doanh nghiệp phải tìm đối tác không nằm trong danh sác bị trừng phạt của phương Tây để mua lại tài sản của mình. Trong khi đó, ở Nga, các nhân vật lớn trong giới kinh doanh thường là những người có mối quan hệ tốt với Chính phủ.
“Trước tiên, họ sẽ phải bán tài sản với mức giá chiết khấu lớn hoặc gần như cho không, và sau đó phải tìm đến những nhân vật có yếu tố chính trị, thân cận với chính quyền”, ông Harms nói.
Theo bà Maria Shagina, một chuyên gia về các biện pháp trừng phạt tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Berlin (Đức), “thuế rút lui” bắt buộc do Nga đưa ra là một quy định khá phức tạp. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải được Bộ Tài chính Mỹ cho phép mới được thanh toán tiền thuế này, nếu không sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington.
Trong bối cảnh đó, hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đã âm thầm quyết định sẽ không rời Nga nữa.
Trong một lần giải thích thẳng thắn hiếm hoi, ông Steffen Greubel, giám đốc điều hành của công ty Metro AG (Đức) nói rằng công ty lên án chiến tranh “mà không có ‘nếu’ hay ‘nhưng’. Tuy nhiên, công ty này quyết định ở lại Nga do trách nhiệm với 10.000 nhân viên bản địa và cũng vì lợi ích đối với các cổ đông. Hiện Nga chiếm khoảng 10% tổng doanh thu hàng năm của Metro, tức hơn 3,1 tỷ USD.
Trong khi đó, kệ hàng của các cửa hàng trong Globus (Đức) ở Moscow vẫn đầy ắp như trước khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra. Chuỗi này hiện có khoảng 20 cửa hàng tại Moscow.
Quan sát kỹ hơn sẽ thấy rằng hầu hết nhãn hiệu bia phương Tây đã biến mất khỏi Nga. Nhiều nhãn hiệu mỹ phẩm đã tăng giá từ 50% đến 70%. Các cửa hàng thực phẩm xuất hiện nhiều rau của Nga và Belarus xuất hiện nhiều hơn và giá rẻ hơn. Các sản phẩm của Procter & Gamble (thương hiệu Mỹ) giờ đây phong phú hơn, dù công ty cho biết sẽ thu hẹp danh mục sản phẩm tại Nga của mình xuống mức thiết yếu.
Globus cho biết họ đã “giảm mạnh” đầu tư mới vào Nga nhưng vẫn mở cửa hàng để đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân bởi mặt hàng thực phẩm không bị trừng phạt. Công ty này cũng giải thích nguyên nhân cho hành động này là “nguy cơ bị tịch thu giá trị tài sản thông qua quốc hữu hóa bắt buộc cũng như những hậu quả nghiêm trọng trong luật hình sự đối với hoạt động quản lý tại địa phương”.
Tương tự, công ty Bayer AG của Đức, chuyên cung cấp thuốc men, hóa chất nông nghiệp và hạt giống, nói rằng việc vẫn duy trì một số hoạt động ở Nga là “bước đi đúng đắn”.
“Việc ngừng cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho dân thường - như thuốc điều trị ung thư hoặc tim mạch, sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ em cũng như hạt giống để trồng lương thực - sẽ chỉ làm tăng thêm thiệt hại do chiến tranh đối với cuộc sống của người dân”, Bayer AG nói trong một thông cáo.