Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá sàn ngày 4/4 là 22.836 VND/USD, tỷ giá trần là 25.240 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá giao dịch quanh mức 25.005 VND/USD, giảm nhẹ 5 đồng so với chốt phiên ngày 3/4 ở mức 25.010 VND/USD.
Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tăng, giảm trái chiều. Càng về cuối phiên, giá USD ngân hàng càng hạ nhiệt.
Cụ thể, tỷ giá tại Vietcombank kết phiên giảm 20 đồng mỗi chiều, mua vào 24.740 VND/USD, bán ra 25.110 VND/USD.
Tại Vietinbank, tỷ giá giảm 42 đồng ở chiều mua vào so với phiên hôm trước, kết phiên tại 24.718 VND/USD và giảm 82 đồng ở chiều bán ra, dừng tại 25.138 VND/USD.
Tuy nhiên, tại nhiều ngân hàng, tỷ giá vẫn tăng từ 10 đến 80 đồng. Chẳng hạn tại SHB, giá USD mua vào tăng 17 đồng (23.176 VND/USD) nhưng giá bán ra tăng 80 đồng (25.200 VND/USD).
Tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng 10 đồng chiều mua, giảm 10 đồng chiều bán so với niêm yết trước, giao dịch mua – bán tại 25.450 – 25.530 VND/USD.
Tỷ giá giảm nhẹ trong bối cảnh lãi suất bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh từ 1/4 đến nay.
Theo VIRA, ngày 3/04, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,01 – 0,07 điểm % ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tháng trong khi đi ngang ở các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần so với phiên trước đó.
Cụ thể: qua đêm 4,42%; 1 tuần 4,5%; 2 tuần 4,5% và 1 tháng 4,24%.
Ngày 3/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 điểm % ở kỳ hạn qua đêm trong khi tăng 0,01 điểm % ở các kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng, không thay đổi ở kỳ hạn 2 tuần. Giao dịch tại: qua đêm 5,23%; 1 tuần 5,31%; 2 tuần 5,38%, 1 tháng 5,41%.
Trên thị trường mở, ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 15.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4%. Có 2.513,26 tỷ đồng trúng thầu. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 8.465,53 tỷ đồng.
Ngày 4/4, Ngân hàng Nhà nước hút nhẹ 200 tỷ đồng thông qua đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 2,4%/năm. Có 3 thành viên tham gia và 1 thành viên trúng thầu. Hiện, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 172.198 tỷ đồng.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chỉ ra 3 nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nóng thời gian qua.
Thứ nhất, Fed chưa đưa ra thời gian cụ thể để nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất nên giá trị đồng USD tăng cao. Việc đồng USD tăng giá đã tác động giảm giá đồng tiền của các nước khác trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, chính sách hạ lãi suất rất mạnh của Việt Nam trong thời gian qua cũng tạo ra sự bất cập về chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND trên thị trường liên ngân hàng (tiếp tục duy trì lãi suất âm, tức là lãi suất đồng USD thấp hơn VND). Điều đó cũng tạo áp lực khiến đồng USD tăng giá.
Thứ ba, trong 3 tháng đầu năm, nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu cũng cao hơn. Tuy nhiên, với sự điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá vẫn duy trì được sự ổn định, thị trường ngoại tệ thông suốt, đảm bảo các cân đối chung ngoại tệ, trạng thái ngoại tệ dương cho các ngân hàng thương. Mại và nền kinh tế cũng như đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp
Theo ông Đào Minh Tú, tỷ lệ mất giá giữa VND với USD so với các nước là thấp. Năm 2023, VND mất giá khoảng 2,9%. Đến thời điểm hiện nay trên thị trường liên ngân hàng VND mất giá khoảng 2,6%. So với các nước lớn, chẳng hạn đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng mất giá so với USD khoảng 1,74%, đồng Bath Thái là 5,93%, đồng Won của Hàn Quốc là 3,88%, đồng Yên Nhật là 7,52%.