Thị trường chứng khoán Mỹ không giữ được đà tăng của 3 tuần trước trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (8/8), khi mối lo về nhu cầu đối với ngành công nghiệp linh kiện bán dẫn gây áp lực giảm lên nhóm công nghệ. Giá dầu tăng nhờ hy vọng vào sự khởi sắc của nhu cầu, dù nỗi lo suy thoái kinh tế vẫn phủ bóng lên thị trường.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,12%, còn 4.140,06 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,1%, còn 12.644,46 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 29,07 điểm, tương đương tăng 0,09%, đạt 32.832,54 điểm.
Hãng sản xuất con chip Nvidia công bố doanh thu quý 2 không đạt kỳ vọng của giới phân tích. Cổ phiếu ngành chip đương đầu với sức ép giảm sau khi báo cáo kinh doanh của hãng này được công bố. Chốt phiên, Nvidia giảm hơn 6%, kéo cổ phiếu của các công ty đối thủ như AMD và Broadcom cũng giảm mạnh theo, với mức giảm tương ứng 2,2% và 1,1%.
Trái lại, một số cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực năng lượng sạch tăng giá sau khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn Đạo luận Giảm lạm phát do Tổng thống Joe Biden khởi xướng. Dự luật này bao gồm kế hoạch rót nhiều tỷ USD cho việc chống biến đổi khí hậu. Theo dự kiến, dự luật sẽ được Hạ viện Mỹ thông qua trong tuần này.
Với mức tăng hơn 2%, cổ phiếu Disney trở thành trụ cột giúp Dow Jones tránh được một phiên giảm.
Tính đến tuần trước, chứng khoán Mỹ có 3 tuần tăng liên tiếp. Tuy nhiên, đà tăng này đang trở nên bấp bênh sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7 tốt hơn nhiều so với dự báo vào hôm thứ Sáu.
Dữ liệu việc làm khả quan là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ hiện không suy thoái, nhưng đồng thời cũng củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Việc Fed có thể duy trì nâng lãi suất với bước nhảy lớn có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái vào cuối năm nay hoặc trong năm 2023 – theo dự báo của nhiều chuyên gia.
“Câu hỏi lúc này là liệu đợt tăng vừa rồi của thị trường có còn đà hay không. Chắc chắn là có những dấu hiệu kinh tế cải thiện trong tháng qua để đảm bảo cho thị trường tăng thêm. Nhưng vẫn còn có nhiều yếu tố khác để kết luận chúng ta đã gần bờ hay chưa”, chiến lược gia Angelo Kourkafas của Edward Jones nhận định với hãng tin CNBC.
Tâm điểm chú ý của thị trường tuần này sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Tư. Số liệu này sẽ là một căn cứ để thị trường đoán định xem Fed sẽ nâng lãi suất bao nhiêu trong cuộc họp vào tháng 9.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,8%, chốt ở 96,65 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,97%, chốt ở 90,76 USD/thùng.
Giá dầu vẫn đang ở gần vùng thấp nhất 6 tháng thiết lập vào tuần trước. Nỗi lo rằng suy thoái kinh tế sẽ xảy ra và dẫn tới sự suy giảm của nhu cầu tiêu thụ năng lượng đã kéo giá dầu Brent giảm 13,7% và giá dầu WTI giảm 9,7% trong tuần trước. Đó là tuần giảm mạnh nhất của giá dầu Brent kể từ tháng 4/2020.
Phiên ngày thứ Sáu, nhờ báo cáo việc làm khả quan của Mỹ, giá dầu đã hồi phục một phần những cú giảm liên tiếp trước đó trong tuần.
“Một lần nữa, các yếu tố vĩ mô đã quay trở lại tác động lên thị trường, đặc biệt là báo cáo việc làm công bố hôm thứ Sáu cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ còn lớn”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nói với hãng tin Reuters.
Phiên đầu tuần, giá dầu còn được hỗ trợ bởi dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của nước này trong tháng 7 tăng mạnh hơn dự báo.
Tại châu Âu, dòng chảy dầu thô và các sản phẩm dầu từ Nga đang tiếp tục, nhưng theo kế hoạch, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm vận dầu Nga từ ngày 5/12. Lệnh cấm này có thể khiến nguồn cung dầu toàn cầu thắt chặt thêm.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs nói rằng họ nghiêng về khả năng giá dầu còn tăng, vì thị trường đang có sự thiếu hụt về nguồn cung nhiều hơn so với những gì họ kỳ vọng trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, vẫn có những số liệu và thông tin gây bất lợi cho giá dầu, có thể khiến giá năng lượng này sụt giảm trở lại bất kỳ lúc nào.
Cũng theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - khối lượng nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 7 bình quân 8,79 triệu thùng/ngày, đã tăng từ mức thấp nhất 4 năm ghi nhận trong tháng 6, nhưng vẫn ít hơn 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuần trước, sau khi tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài ở nước này.