Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư công ty chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố Báo cáo chiến lược thị trường tháng 9/2022. Một điểm đáng chú ý là kinh tế Việt Nam trong tháng 8 vừa qua tích cực hơn kỳ vọng.
Trái ngược với lo ngại sau khi các dữ liệu vĩ mô tháng 7 được công bố có phần nào chậm lại, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự bứt phá cần thiết trong tháng 8 từ lĩnh vực dịch vụ và sản xuất. Theo SSI Research những điều này giúp mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay có thể dễ dàng đạt được. Bên cạnh đó, việc kiểm soát lạm phát bình quân trong năm 2022 nằm trong mục tiêu Chính phủ cũng không quá khó.
Ngành sản xuất tích cực nhờ lực cầu nội địa và động lực từ ngành xuất khẩu truyền thống
Sự chậm lại của kinh tế toàn cầu chưa tác động rõ ràng lên ngành sản xuất Việt Nam với động lực cho ngành sản xuất nhanh chóng được xoay chuyển dần sang các ngành xuất khẩu truyền thống như dệt may, giày dép, thay cho tập trung vào các mặt hàng điện tử. Các chỉ số về ngành sản xuất tháng 8 tương đối tích cực khi IIP tăng 15,6% so với cùng kỳ (và 2,9% so với tháng trước). Chỉ số PMI tháng 8 đạt trên mức 50 điểm tháng thứ 11 liên tiếp, với sự cải thiện về số lượng đơn đặt hàng mới từ khách hàng cả trong nước và quốc tế.
Số liệu dữ liệu xuất khẩu ước tính từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy sự tương đồng, khi giá trị xuất khẩu tháng 8 tăng 22,1% so với cùng kỳ (và tăng 9,1% so với tháng 7). Tăng trưởng xuất khẩu phục hồi trong tháng 8, nhờ vào các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may (42,4% so với mức 17,4% trong tháng 7) và giày dép (186,5% so với mức 63,6% vào tháng 7).
Xuất khẩu và dịch vụ trong tháng 8/2022 đều tăng trưởng mạnh mẽ.
Xuất khẩu hàng điện tử tiếp tục tăng trưởng chậm và ghi nhận mức tăng trưởng một con số như điện thoại di động (+2,7% so với cùng kỳ) hay đồ điện tử (+3,7%). Nhờ vậy, tăng trưởng xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp trong nước ghi nhận mức tăng mạnh mẽ hơn, đạt +25,2% trong tháng 8 so với 4,9% trong tháng 7) trong khi các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không bao gồm xuất khẩu dầu thô) tăng lên mức 19,8% (từ 11,6% trong tháng 7).
Bên cạnh xuất khẩu, dữ liệu nhập khẩu hồi phục trở lại trong tháng 8 và tăng 12,4% so với cùng kỳ (1,4% so với tháng trước), với sự cải thiện từ cả 2 nhóm doanh nghiệp nội địa và FDI. Điều này cũng phần nào phản ánh nhu cầu trong nước duy trì tích cực. Nhìn chung, với mức tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng của xuất khẩu trong tháng 8, cán cân thương mại ghi nhận mức thặng dư lên đến 2,4 tỷ USD. Đây là mức thăng dự theo tháng cao nhất kể từ tháng 12/2021 và nâng cán cân thương mại trong 8 tháng đầu năm lên thặng dư gần 4 tỷ USD.
Tiêu dùng bán lẻ bật tăng nhờ áp lực lạm phát giảm nhiệt trong tháng 8
Trong tháng 8, tăng trưởng từ khu vực dịch vụ vẫn duy trì ở mức tốt nhờ sự bật tăng từ nhóm ngành bán lẻ, trong khi đó doanh thu từ ngành du lịch cho tín hiệu chững lại. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8 nhìn chung đang giữ đà tăng trưởng tốt (tăng 0,8% so với tháng trước, cải thiện từ mức giảm 0,3% trong tháng 7) nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện.
Áp lực về giá cả hàng hóa đã phần nào hạ nhiệt khi giá nhiên liệu trong tháng 8 đã được điều chỉnh giảm mạnh (giá xăng giảm 14,5% và giá dầu giảm 12,9% so với tháng trước). Nhờ vậy, sản lượng đầu ra các sản phẩm xăng dầu của Petrolimex và PVOIL ghi nhận mức tăng 13% so với tháng trước, điều này cho thấy mức giá xăng dầu hiện tại nằm trong mức có thể chấp nhận được đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc tăng lương tối thiểu kể từ 1/7/2022, mặc dù không nhiều nhưng cũng là yếu tố tích cực đến mức chi tiêu tiêu dùng nội địa.