Lên lớp chín, Jobs chuyển đến học tại Trường Trung học Homestead, ngôi trường có khuôn viên rộng lớn, các tòa nhà hai tầng xây dựng bằng bê-tông xỉ than sơn màu hồng và khoảng 2.000 học sinh. […]
Steve có rất ít bạn đồng trang lứa nhưng ông quen biết một vài người nhiều tuổi hơn, những người này đều chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng chống đối xã hội vào cuối những năm 1960. Đó cũng là thời kỳ mà thế giới của những “con mọt máy tính” và những người theo chủ nghĩa Hippy có sự chồng chéo lên nhau.
Jobs nói: “Những người bạn của tôi đều là những đứa trẻ rất đỗi thông minh. Tôi thích toán, khoa học, điện tử và họ cũng vậy. Chúng tôi cùng gia nhập hội LSD và tham gia trào lưu phản đối quan niệm, lối sống phổ biến của xã hội lúc đó”.
Những trò nghịch ngợm của Jobs sau này chủ yếu liên quan đến điện tử. Một lần, ông trang bị hệ thống loa được kết nối với nhau khắp nhà. Vì loa cũng có thể được sử dụng như micro thu âm nên ông lập ra một phòng điều khiển trong tủ quần áo của mình, nơi ông có thể nghe ngóng được mọi chuyện đang diễn ra ở khắp nơi trong nhà mình.
Một hôm, ông bật hệ thống loa theo dõi lên và lắng nghe câu chuyện trong phòng cha mẹ, cha đã bắt gặp và giận dữ yêu cầu ông gỡ bỏ ngay hệ thống “bất hợp pháp” này. Jobs đã dành rất nhiều tối sau đó sang gara của Larry Lang, người kỹ sư sống cuối phố khu nhà cũ của ông.
Cuối cùng, Lang đưa cho Jobs chiếc micro bằng carbon từng làm ông thích thú trước đây cùng với Heathkits, bộ dụng cụ giúp tự lắp ráp những chiếc radio sơ khai nhất với những cần số điện tử được hàn đằng sau.
“Heath kits có đầy đủ các bộ phận với mã màu khác nhau. Quyển hướng dẫn cũng giải thích chi tiết cách sử dụng nó. Nó giúp người dùng hiểu nguyên lý và tạo ra bất cứ thứ gì. Một khi đã tạo ra được vài chiếc radio, đồng nghĩa bạn có thể tạo ra được một chiếc tivi sau khi xem chúng trên catalogue ngay cả khi chưa từng làm. Tôi là người may mắn vì từ khi còn là một đứa trẻ, cả cha tôi và Heathkits đã giúp tôi tin tưởng rằng tôi có thể tạo ra mọi thứ”.
Lang cũng cho phép Jobs tới tham dự các buổi gặp mặt của Câu lạc bộ Những nhà khám phá Hewlett-Packard (The Hewlett-Packard Explorers Club), gồm một nhóm khoảng 15 học sinh, tại quán cà phê của công ty vào mỗi tối thứ ba hàng tuần.
“Tại đây, mỗi tuần sẽ có một kỹ sư đến từ một trong những phòng nghiên cứu của công ty chia sẻ những gì anh ta đang làm. Cha đã chở tôi đến đó và tôi như lạc vào thiên đường. HP là nhà tiên phong trong việc cung cấp các thiết bị đi-ốt phát sáng. Vì vậy, chúng tôi thảo luận về những việc có thể làm với chúng”.
Lúc đó, cha Steve đang làm việc cho một công ty sản xuất thiết bị laser, vì thế đó là chủ đề đặc biệt hấp dẫn với ông. Một tối, ông ngồi nói chuyện với một trong những kỹ sư về công nghệ laser của HP sau buổi thảo luận và tới thăm phòng thí nghiệm kỹ thuật chụp ảnh giao thoa bằng laser. Nhưng ấn tượng đáng nhớ nhất lúc đó lại là việc chứng kiến công ty đang phát triển những chiếc máy vi tính.
“Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy chiếc máy tính để bàn là ở tại đây. Nó được đặt tên là 9100A, một chiếc máy tính được ca ngợi rất nhiều và thật sự cũng là chiếc máy vi tính để bàn đầu tiên. Nó lớn, chắc phải hơn 18 kg (40 pounds) nhưng tôi rất hứng thú với nó”.
Các thành viên tham gia Câu lạc bộ Những nhà khám phá HP đều được khuyến khích xây dựng các dự án riêng của mình, và Jobs quyết định tạo ra một máy đếm tần số, đo lường số lượng xung điện trên một giây trong một tín hiệu điện tử.
Ông cần một số linh kiện mà HP sản xuất, nên ông đã nhấc máy và gọi điện tới CEO HP. “Họ trả lời rằng họ không có những số liệu chưa được yêu cầu thống kê. Vì vậy, tôi đã tìm số của Bill Hewlett và gọi tới nhà ông ấy. Ông ấy giải đáp những câu hỏi của tôi trong vòng 20 phút. Ông ấy không chỉ đưa cho tôi những thứ tôi cần mà còn để nghị tôi làm việc tại công ty, nơi sản xuất những chiếc máy đếm tần số”.
Jobs đã làm tại đây vào mùa hè, ngay sau khi kết thúc năm học đầu tiên tại Homestead. Job kể rằng “Cha chở tôi đến làm việc vào buổi sáng và đón tôi vào mỗi tối”. […]
Với sự giúp đỡ của cha, Jobs có thể mua chiếc xe đầu tiên của mình khi mới 15 tuổi. Đó là chiếc Nash Metropolitan hai màu. […]
Trong vòng một năm, bằng việc làm đủ nghề, Jobs đã tiết kiệm được khoản tiền đủ để đổi sang chiếc xe Fiat 850 hai cửa màu đỏ với động cơ Abarth. “Cha tôi đã giúp tôi mua và kiểm tra máy. Cảm giác cố gắng tiết kiệm và cuối cùng có thể tự trả tiền cho một món đồ thật tuyệt!”.
Cũng mùa hè năm đó, giữa năm hai và năm cuối cấp ở Trường Trung học Homestead, Jobs bắt đầu hút cần sa (marijuana). Ông nói: “Tôi hút lần đầu vào mùa hè năm đó và rồi, tôi bắt đầu sử dụng thường xuyên hơn”.
Một hôm, cha Steve tìm thấy chất gây nghiện (Dope) trong chiếc Fiat của cậu con trai. Ông hỏi: “Cái gì đây hả Steve?”. Job trả lời một cách tỉnh bơ: “Cần sa cha ạ!”.
Đó là một trong số ít lần trong đời Steve thấy cha mình thật sự nổi giận. Và ông từng kể rằng “Đây là cuộc chiến thật sự duy nhất xảy ra giữa tôi và cha mình”.
Nhưng sau đó, như mọi lần, cha Jobs lại phải nhượng bộ cậu con trai. “Cha muốn tôi hứa rằng sẽ không bao giờ được sử dụng chất kích thích nữa, nhưng tôi đã không hứa”. Thực tế, năm cuối cấp, Jobs sử dụng thêm LSD và luôn chìm đắm trong trạng thái mơ màng mất nhận thức đi kèm với chứng thiếu ngủ. “Tôi bắt đầu sử dụng chất kích thích nhiều hơn. Thậm chí đôi lúc chúng tôi còn dùng ma túy, thường thì ở nơi rộng rãi hoặc trong ôtô”.
Job cũng trưởng thành về nhận thức trong hai năm cuối cấp ở trường trung học. Ông thấy mình đang đứng ở ngã tư đường giữa một bên là sự lựa chọn trở thành một trong những “con mọt” công nghệ, đắm mình trong mở vi mạch điện tử và một bên là trở thành con người mẫu mực, học tập và sáng tạo theo con đường hàn lâm.
Jobs kể rằng “Lúc đó tôi bắt đầu nghe nhạc nhiều hơn và đọc sách về những thứ khác ngoài khoa học và công nghệ nhiều hơn, như Shakespeare hay Plato. Tôi thích Vua Lear”.