Một nhóm gồm hơn 120 nhà lập pháp Mỹ kiên quyết với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) rằng sự cố khiến 11.000 chuyến bay bị gián đoạn hôm 11/1 là “không chấp nhận được”. Nhóm các nhà lập pháp yêu cầu cơ quan này giải trình cách tránh các sự cố trong tương lai, Reuters đưa tin ngày 14/1.
Chủ tịch Ủy ban Giao thông Hạ viện Sam Graves và Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Rick Larsen đã gửi một bức thư tới Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg. Nội dung bức thư cho biết hội đồng dự định “tiến hành giám sát chặt chẽ kế hoạch của Bộ Giao thông nhằm ngăn chặn sự cố gián đoạn xảy ra lần nữa”.
Các nhà lập pháp muốn biết chi tiết về những gì đã xảy ra với Hệ thống Điện văn thông báo hàng không (NOTAM). Đây là lần đầu tiên các chuyến bay bị gián đoạn trên quy mô toàn nước Mỹ kể từ vụ tấn công ngày 11/9/2001.
Họ cũng yêu cầu ông Buttigieg cung cấp ước tính giá trị thiệt hại đối với các hãng hàng không và hành khách.
Trước đó, ông Buttigieg cho rằng việc ngừng chuyến bay là “quyết định đúng đắn” và bác bỏ ý kiến bồi thường cho hành khách chịu ảnh hưởng.
Nguyên nhân sự cố
Sự cố hôm 11/1 khiến các sân bay không thể gửi thông báo cho phi công về các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến máy bay như vấn đề ánh sáng, đường băng hay thời tiết xấu. Điều này buộc các chuyến bay tạm hoãn cất cánh.
Hệ thống NOTAM hoàn toàn tách biệt với hệ thống kiểm soát không lưu, vốn là hệ thống giúp điều chỉnh khoảng cách an toàn máy bay, nhưng cũng là công cụ rất quan trọng đối với an toàn bay. NOTAM gặp lỗi đồng nghĩa phi công không thể kiểm tra lộ trình chuyến bay.
Tương tự các hệ thống điều khiển chuyến bay khác, NOTAM được FAA áp dụng một quy trình đặc biệt, đảm bảo kỹ thuật viên không thể làm hỏng. Tuy nhiên, tệp dữ liệu bị thay đổi trái quy định có thể khiến hệ thống gặp trục trặc.
FAA thông báo sự cố xảy ra do một lỗi hệ thống nội bộ. Cuộc điều tra sơ bộ cho thấy nhân viên đã thực hiện sai quy trình khiến một tập tin cơ sở dữ liệu bị hư hỏng.
Cơ quan này vẫn đang làm việc để xác định chính xác nguyên nhân gây ra sự gián đoạn hệ thống NOTAM. Đến thời điểm hiện tại, FAA cho biết vẫn chưa tìm thấy bằng chứng về một cuộc tấn công mạng, theo NPR.
Khi hệ thống gặp sự cố, các nhân viên đã kích hoạt chế độ dự phòng. Tuy nhiên, hệ thống sao lưu sử dụng cùng tệp dữ liệu bị hỏng nên không thể hoạt động.
FAA buộc phải khởi động lại hoàn toàn hệ thống để khắc phục sự cố. Điều này khiến tất cả chuyến bay khởi hành từ Mỹ phải tạm dừng trong 90 phút vào sáng 11/1.
Theo dữ liệu từ trang web theo dõi FlightAware, tính đến trưa 11/1, hơn 6.988 chuyến bay nội địa và quốc tế của Mỹ đã bị trì hoãn, trong khi hơn 1.100 chuyến bay bị hủy hoàn toàn.
Tổng cộng 21.464 chuyến bay đã được lên kế hoạch khởi hành từ các sân bay Mỹ vào ngày 11/1 với sức chở gần 2,9 triệu hành khách, công ty phân tích hàng không Cirium cho biết. Sự cố được cho là sẽ để lại ảnh hưởng kéo dài đối với các sân bay Mỹ.
Trong thông báo mới nhất, FAA cho biết hệ thống cảnh báo an toàn đã hoạt động bình thường, tỷ lệ hủy chuyến trong ngày chỉ còn dưới 1%.
Ngoài ra, các hãng hàng không đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn máy bay tại cổng đưa đón hành khách, khiến tình trạng trễ chuyến ngày càng tăng.
Sự cố của FAA xảy ra chưa đầy hai tuần sau khi hệ thống kiểm soát không lưu gây ra tình trạng chậm, trễ chuyến tại Florida. Hệ thống Hiện đại hóa Tự động hóa Đường bay (ERAM) gặp trục trặc đã khiến FAA phải dừng hàng trăm chuyến bay.
Vấn đề từ bên trong
Hành khách Mỹ không có nhiều lựa chọn thay thế hàng không. Khoảng cách lái xe giữa các bang tại Mỹ quá lớn, trong khi mạng lưới đường sắt quá ít ỏi so với các quốc gia khác.
Hiệp hội Du lịch Mỹ đã gọi sự cố hệ thống FAA là “thảm họa”.
FAA phải hoạt động mà không có lãnh đạo thường trực kể từ tháng 3/2022. Stephen Dickson, người được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, đã từ chức giữa nhiệm kỳ.
Phillip A. Washington, ứng cử viên lãnh đạo FAA của Tổng thống Joe Biden, vẫn chưa nhận được phiên điều trần xác nhận của Thượng viện Mỹ. Ông không có nhiều thành tựu trong ngành hàng không, nhưng được chú ý vì đã giúp sân bay Denver tại Washington phục hồi sau đại dịch, theo AP.
Đến nay, FAA được dẫn dắt bởi ông Billy Nolen, quan chức an ninh hàng không cấp cao.
Reuters cho biết thêm rằng FAA từ lâu đã gặp khó khăn trong việc hiện đại hóa một số bộ phận kiểm soát không lưu. Sự cố ngày 11/1 là dấu hiệu cho thấy FAA cần nâng cấp nền tảng máy tính cho hệ thống quản lý giao thông.
FAA đang phát triển và nâng cấp hệ thống nhằm ngăn chặn các sự cố trong tương lai. Cơ quan này cũng đang cố gắng hiện đại hóa hệ thống NOTAM.
Hồi tháng 10/2022, FAA cho biết đang hành động để chấm dứt công việc kiểm soát không lưu bằng các dải giấy vốn bị chế diễu từ lâu. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2029 FAA mới thực hiện được sự thay đổi này tại 49 phi trường lớn.
Báo cáo năm 2021 của Văn phòng Tổng thanh tra (OIG) thuộc Bộ Giao thông Mỹ đã nhiều lần chỉ ra những vấn đề trong dự án cơ sở hạ tầng Hệ thống Vận tải Hàng không Thế hệ Tiếp theo (NextGen) trị giá hàng tỷ USD của FAA.
OIG cho biết “FAA phải vật lộn để tích hợp công nghệ và chức năng chủ chốt vào NextGen. Sự trì hoãn kéo dài của chương trình dẫn đến tình trạng chậm trễ gián tiếp những chương trình khác”.
Tháng 4/2022, FAA đã đầu tư 1 tỷ USD vào việc sửa chữa và thay thế các thiết bị quan trọng trong hệ thống không lưu, bao gồm hệ thống điện, định vị, thời tiết, radar và giám sát trên toàn nước Mỹ.
“Có rất nhiều công việc cần làm để vận hành không phận quốc gia một cách an toàn”, Phó giám đốc FAA Bradley Mims cho biết vào thời điểm đó.