Qatar có dân số khoảng 2,9 triệu người, nhưng chỉ khoảng 10% trong số này mang quốc tịch Qatar, còn lại là người nước ngoài, lao động nhập cư làm việc phục vụ ngành dịch vụ khổng lồ của nước này.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Qatar năm 2021 đạt hơn 61.000 USD, nằm trong số những quốc gia có GDP bình quân cao nhất thế giới. Sự giàu có của Qatar đến từ bể khí đốt thuộc hàng lớn nhất thế giới mà quốc gia vùng Vịnh sở hữu, theo AP.
Sự giàu có từ dầu khí
Qatar là vùng đất nhỏ nằm ở rìa Đông bán đảo Arab, nhô ra giữa vịnh Ba Tư. Bao quanh Qatar là mỏ khí đốt North Dome, một trong những bể khí đốt dưới lòng đại dương lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 10% dự trữ khí đốt đã được ước tính trên toàn cầu.
Các bộ tộc Qatar từ lâu sống chủ yếu dựa vào nghề đánh cá và mò ngọc trai để tồn tại. Giống với phần lớn các nước vùng Vịnh, Qatar gần như vô danh trên bản đồ thế giới cho đến khi phát hiện các mỏ khí đốt và dầu thô vào giữa thế kỷ 20.
Suốt 50 năm qua, dầu thô và khí đốt chính là động lực mang lại sự thịnh vượng và tầm ảnh hưởng trên thế giới cho Qatar. Nhờ dầu khí, chỉ trong vài thập kỷ, hàng trăm nghìn công dân Qatar đã thoát khỏi cuộc sống đánh bắt cá, mò ngọc trai nghèo khổ.
Qatar thuộc nhóm nước có GDP đầu người cao nhất thế giới. Ảnh: Reuters.
Qatar hiện là đầu mối giao thông quốc tế lớn với sân bay quốc tế Doha, cùng hãng hàng không quốc gia Qatar Airways luôn ăn nên làm ra.
Doha đứng sau hãng thông tấn Al Jazeera đầy ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo. Qatar cũng là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất tại khu vực Trung Đông.
Trong khi phần lớn các quốc gia đang vật lộn với suy thoái kinh tế và lạm phát, Qatar cùng các nước vùng Vịnh hưởng lợi nhờ giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Qatar tăng trưởng 3,4% trong năm 2022, đây là con số mơ ước so với các nước phát triển, theo Doha News. Sự thịnh vượng của quốc gia vùng Vịnh được dự báo còn kéo dài khi nước này mở rộng xuất khẩu khí đốt từ nay đến 2025.
Dù đã chi những khoản tiền khổng lồ để chuẩn bị cho World Cup, Qatar vẫn duy trì thặng dư ngân sách trong năm 2021, và thặng dư ngân sách tiếp tục kéo dài trong năm 2022.
Để chuẩn bị cho World Cup, Qatar đã rót hơn 200 tỷ USD vào các dự án phát triển, cơ sở hạ tầng, theo thống kê của tập đoàn kiểm toán quốc tế Deloitte.
Trong số này, 6,5 tỷ USD được sử dụng để xây 8 sân vận động chuẩn quốc tế. Hàng tỷ USD được rót vào các dự án phát triển hệ thống tàu điện ngầm, sân bay, đường xá, các công trình công cộng khác phục vụ World Cup.
Theo phân tích của tập đoàn Capital Economics, dữ liệu về lượng vé bán ra cho thấy khoảng 1,5 triệu cổ động viên sẽ đến Qatar du lịch trong 5 tuần diễn ra World Cup.
Nếu các du khách ở lại 10 ngày, và chi tiêu 500 USD/ngày, nền kinh tế Qatar sẽ thu tổng cộng 5.000 USD/du khách, mang về tổng cộng 7,5 tỷ USD chỉ trong 5 tuần diễn ra ngày hội bóng đá.
Bị chỉ trích vì đối xử với lao động nước ngoài
Giống với nhiều quốc gia giàu có ở vùng Vịnh, Qatar có mô hình chính trị đặc biệt, trị vì bởi gia tộc Al Thani cùng một bộ máy cố vấn do đích thân hoàng gia lựa chọn.
Để bù lại cho việc không có tiếng nói trong các quyết sách của đất nước, người dân Qatar được hưởng những quyền lợi lớn như thu nhập không chịu thuế, các công việc được trả lương hậu hĩnh trong chính phủ, chăm sóc y tế miễn phí, giáo dục bậc cao miễn phí.
Ngoài ra, chính phủ Qatar cũng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các cặp đôi mới kết hôn, cùng nhiều khoản trợ cấp khác cho các gia đình như nhà ở, sinh hoạt phí, cùng tiền lương hưu hào phóng.
Với dân số chỉ khoảng 300.000 người, để phục vụ nhu cầu trong các ngành dịch vụ ngày càng mở rộng, Qatar sử dụng lao động đến từ các quốc gia khác. Lao động nhập cư cũng đóng vai trò chính trong xây dựng các công trình phục vụ World Cup.
Lao động nước ngoài đối mặt điều kiện làm việc khắc nghiệt ở Qatar. Ảnh: Reuters.
Tuy vậy, những năm gần đây, Qatar đối mặt những câu hỏi về luật lao động và cách nước này đối xử với hàng trăm nghìn lao động nước ngoài, chủ yếu từ Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Nepal và các nước Nam Á khác, theo Reuters.
Người lao động nhập cư phải sống chung trong các khu trại lao động, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt giữa mùa hè và hiếm khi có cơ hội gặp gia đình.
Điều kiện làm việc khắc nghiệt dẫn tới những rủi ro về an toàn của người lao động.
Trước sức ép từ dư luận quốc tế, Qatar đã phải sửa đổi luật lao động, trong đó đáng chú ý nhất là ban hành quy định về thu nhập tối thiểu khoảng 275 USD/tháng năm 2020. Qatar cũng đã hủy bỏ hệ thống có tên "kafala" vốn cấm người lao động thay đổi công việc hoặc rời đất nước nếu không có sự đồng ý của chủ lao động.
Tuy vậy, các tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục kêu gọi Qatar cải thiện chế độ bồi thường cho người lao động nhập cư bị thương tật, tử vong hoặc bị lừa gạt trong quá trình xây dựng các dự án phục vụ World Cup.