Hiện nay, những quán bar tại New York (Mỹ) và Hong Kong (Trung Quốc) cố gắng đa dạng hóa danh sách cocktail bằng cách thêm đồ uống được chế biến từ đồ ăn. Những ly cocktail này được lấy cảm hứng từ mọi thứ như salad Waldorf hoặc gà nướng.
Margaret Eby, biên tập viên chuyên mục ẩm thực tại Philadelphia Inquirer, nhận định rằng các loại cocktail mặn ngày càng có sức hút.
"Thành phần chính của cocktail thường có hương vị ngọt ngào như nước ép trái cây hoặc syrup, sau đó được pha chế cùng rượu. Tuy nhiên, hiện nay giá thực phẩm toàn cầu biến động, khiến một số nguyên liệu trở nên đắt hoặc khó tìm hơn. Do đó, các chủ nhà hàng và quán bar có thể tận dụng các loại nguyên liệu khác để pha chế cocktail", bà Margaret Eby cho hay.
Khởi xướng từ cocktail cà chua
Bloody Mary là một loại cocktail phổ biến, được pha chế từ vodka, nước ép cà chua và các loại gia vị khác như sốt ớt tabasco, nước thịt bò, nước cần tây, olive, hạt tiêu đen, ớt cayenne...
Loại cocktail này được coi là đồ uống khởi xướng cho làn sóng "cocktail mặn". Ngoài Bloody Mary, Tomatini cũng được chế biến từ cà chua. Được giới thiệu lần đầu vào năm 2010, loại cocktail này được pha chế từ rượu Ketel One vodka, giấm balsamic trắng, hạt tiêu đen, nước cốt chanh và cà chua bi.
Thông thường, trên mép ly cocktail sẽ là một quả anh đào maraschino hoặc một lát chanh. Thế nhưng Tomatini lại sở hữu một quả cà chua nhỏ tinh tế trên mép ly.
Tibor Krascsenics, Giám đốc quầy bar của LPM Restaurant & Bar, cho biết: “Những ngày mới ra mắt loại cocktail mặn, một số khách đã do dự thưởng thức bởi đồ uống này giống gazpacho (một loại súp cà chua). Tuy nhiên, khi thử, họ nhận ra rằng hương vị rất tinh tế và dần yêu thích loại cocktail mặn này”.
Uống những thứ bạn ăn
Tuy nhiên, cà chua không phải là thành phần duy nhất có thể biến món cocktail trở nên thơm ngon. Quán bar The Savory Project ở Hong Kong, khai trương vào tháng 5, sở hữu nhiều loại cocktail có thành phần đặc biệt.
Jay Khan, người thành lập Coa, quán bar được vinh danh là tốt nhất châu Á vào năm 2022, đồng thời là người đồng sở hữu quán bar The Savory Project, cho biết: “Chúng tôi không ngại sử dụng những nguyên liệu không phổ biến trong đồ uống, ví dụ như thịt bò, nấm rơm, vỏ ngô... Bất cứ thứ gì chúng tôi có thể nghĩ ra, bartender sẽ thử tái tạo nó thành đồ uống".
Trước đó, Jay Khan thường tập trung nghiên cứu về rượu tequila và rượu mezcal. Nhận thấy người dân Hong Kong ngày càng thích thưởng thức các loại rượu Mexico và các loại đồ uống có vị mặn, ông đã tập trung vào đồ uống mặn trong dự án tiếp theo của mình.
Jay Khan cùng người đồng sáng lập Ajit Gurung đã chia menu của quán bar thành hai phần, có cồn và không cồn. Đồng thời, họ sử dụng hình minh họa về các hương vị chính như nấm, nghêu, tỏi tây ở bên cạnh tên đồ uống để khiến chúng dễ tiếp cận hơn.
“Chúng ta có thể tạo ra những thức uống siêu mạo hiểm, nhưng để làm gì nếu những người uống nó không hiểu hương vị mà họ đang uống?”, ông Jay Khan nói.
Tiềm năng phát triển
Cocktail mặn được nhận định là xu hướng hiện nay, nhưng không phải quán bar nào cũng quyết định tập trung vào đồ uống này. Quán bar hàng đầu tại Bắc Mỹ, Double Chicken Please (DCP) gồm có 2 phòng với hai phong cách và sản phẩm hoàn toàn khác nhau. Phòng phía trước với nhiều đồ uống truyền thống. Còn căn phòng phía trong là một quầy cocktail bar được thiết kế với concept biến những món ăn từ chất rắn sang chất lỏng.
Ở phòng sau, menu bao gồm 9 loại cocktail mà bạn có thể "uống" những món "ăn". Đồng thời, chúng được thể hiện giống như thực đơn đồ ăn, được chia thành 3 phần, gồm món khai vị, món chính và món tráng miệng.
Ở nhóm đầu tiên, đó là loại đồ uống lấy cảm hứng từ salad Waldorf và mì lạnh Nhật Bản, ở phần giữa là cocktail Cold Pizza chứa phô mai parmesan.
Một trong những món nổi bật của thực đơn là Red Eye Gravy. Loại cocktail được lấy cảm hứng từ bữa ăn truyền thống của miền Nam nước Mỹ. Thành phần bao gồm rượu Irish Whiskey, bơ, cà phê, hạt óc chó, nấm, thịt cổ heo muối. Ngoài ra, loại cocktail viral nhất tại DCP chính là món "French Toast", được pha chế từ vodka, lúa mạch rang, bánh mì brioche, sữa, dừa, syrup lá phong và trứng.
Nhờ sự đột phá trong pha chế, DCP đã nhận được nhiều hơn sự quan tâm của khách hàng. Một số khách hàng đến quán với mong muốn thưởng thức loại cocktail được đăng tải trên mạng xã hội. Mặt khác, nhiều khách hàng đã nghiên cứu trước thực đơn trước khi đặt chỗ.
Tako Chang, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của DCP, khẳng định đồ uống có cồn, không ngọt không phải là một mánh lới quảng cáo: “Món cocktail mặn chắc chắn đang phát triển. Không còn nghi ngờ gì nữa”.