Thị trường sữa Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng thêm. Ảnh minh họa: TTXVN.
Theo báo cáo thị trường do hãng Research and Markets vừa công bố, ngành công nghiệp sữa và các chế phẩm từ sữa của Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 4,4 tỷ USD năm 2017 lên 8,4 tỷ USD năm 2021. Còn giá trị sữa và chế phẩm từ sữa nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2021 là 11,8 tỷ USD. Dự báo tăng tương đương 12,4% mỗi năm cho đến 2031.
Trong báo cáo này, hãng nghiên cứu cho rằng có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất sữa tại Việt Nam vào cuối năm 2021. Thị trường sữa tại Việt Nam chủ yếu do các ông lớn như Vinamilk, Nestle Việt Nam, Nutifood, Frieslandcampina và Tập đoàn TH chi phối. Đàn bò của Việt Nam, được tính toán, sẽ tăng từ 330.000 con năm 2019 lên 700.000 con năm 2030.
Sản lượng tính riêng mặt hàng sữa tươi của Việt Nam đã đạt 1,2 tỷ lít vào năm 2021 và sẽ tăng lên 2 tỷ lít vào năm 2030. "Mặc dù sản lượng tăng nhưng sản lượng sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu trong nước, phần còn lại chủ yếu dựa vào nhập khẩu", báo cáo của Research and Markets nhận định.
Ngoài việc phụ thuộc vào nguồn sữa tươi nhập khẩu, Việt Nam còn nhập khẩu bò, các sản phẩm dinh dưỡng (có yếu tố chăn nuôi) và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Để duy trì tính cạnh tranh, các công ty trong nước đang tìm kiếm các giải pháp quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, trong khi các công ty lớn hơn đang đầu tư vào công nghệ Công nghiệp 4.0 và Nghiên cứu & Phát triển (R&D).
Hãng nghiên cứu thị trường đặt bối cảnh mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 28 lít vào năm 2021, thấp hơn Thái Lan (35 lít) và Singapore (45 lít). Chính vì vậy, tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam "rất lớn". Các nhà phân tích kỳ vọng mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam sẽ đạt 40 lít vào năm 2030. Mức tiêu thụ đang dần tăng lên, do dân số lớn, trẻ và tăng nhanh (khoảng 100 triệu người) và sức mua ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu trong nước.
Các công ty sữa cũng đang nhận thấy cơ hội ngày càng tăng để phục vụ dân số già (trên 65 tuổi) của Việt Nam, dự kiến sẽ đạt 14% vào năm 2040, tăng từ 7% vào năm 2020.
Ngoài ra, xuất khẩu sữa của Việt Nam đang tăng nhanh. Giá trị xuất khẩu sữa của Việt Nam vượt 300 triệu USD. Sản phẩm sữa của Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia. Theo phân tích, Trung Quốc đã cấp mã giao dịch cho 8 công ty sữa của Việt Nam (20 nhà máy), cho phép họ xuất khẩu sản phẩm của mình sang Trung Quốc.
Kỳ vọng thị trường sữa Việt Nam tiếp tục tăng trưởng
Xét về phân khúc sản phẩm, sữa bột và sữa nước chiếm gần 3/4 quy mô thị trường sữa Việt Nam. Hầu hết sữa bột nhập khẩu vào Việt Nam đều được chế biến thành sữa tươi. Trong số các loại sữa nước, dạng sữa được ưa chuộng hơn cả là sữa tiệt trùng vì thời hạn sử dụng lâu hơn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi các cơ sở dây chuyền lạnh chưa phát triển tốt.
Trong các năm gần đây, các doanh nghiệp sữa trong nước nhập khẩu "nguyên đai nguyên kiện" sữa bột về Việt Nam. Sau đó, vào hộp và bán ra thị trường. Chẳng hạn, Nutifood có dòng sản phẩm "nhập khẩu Thụy Điển" Nutifood GrowPlus+ từ chính Nutifood Thụy Điển. Sản phẩm này được quảng bá là sản phẩm được sản xuất hoàn toàn tại Thụy Điển, nhập khẩu về Việt Nam. Tương tự, phía Frieslandcampina cũng quảng bá Friso Prestige là "dòng sản phẩm siêu cao cấp" được nhập khẩu từ châu Âu.
Phân khúc tăng trưởng nhanh nhất của thị trường sữa Việt Nam về sản lượng tiêu thụ vào năm 2021 là sữa bột, với sản lượng đạt khoảng 152.000 tấn, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp theo là sữa chua, sữa nước.
Báo cáo cũng đề cập đến nhu cầu về pho mát và bơ đang tăng nhanh do ảnh hưởng ngày càng lớn của thức ăn phương Tây tại Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ ở khu vực thành thị.
Chuyên gia phân tích nhu cầu về các sản phẩm sữa sẽ tăng cao tại thị trường Việt Nam từ năm 2022-2031, với nhiều cơ hội thị trường hơn cho các nhà đầu tư. Các sản phẩm sữa hữu cơ, sữa tươi tự nhiên và các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa sữa tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm tới.