Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Kompa, suốt 7 tháng qua, TocoToco là thương hiệu liên tục dẫn đầu thị phần thảo luận trong ngành trà sữa. Cụ thể, nhãn hiệu này chiếm 31,5%, tương đương 78.426 lượt thảo luận trên các kênh thông tin như mạng xã hội, báo chí…
Kế sau TocoToco là một số thương hiệu như Gongcha (12%), Bobapop (8,9%), KOI Thé (7,6%), Trà sữa Tiên Hưởng (5,8%), Te Amo (4,7%). Bên cạnh đó, thị trường TP.HCM cũng trở nên sôi động hơn với sự xuất hiện của Phê La - thương hiệu trà sữa từ Đà Lạt.
Nhìn chung, sự hoạt động tích cực cả về chương trình ưu đãi/khuyến mãi lẫn quy mô chi nhánh giúp số lượng thảo luận và nhận biết của khách hàng tăng cao.
Nhóm khách hàng nữ vẫn là đối tượng đóng góp sôi nổi cho các cuộc thảo luận khi chiếm đến 71,8%. Mặt khác, nhóm khách hàng nam chỉ chiếm khoảng 28,2%.
Lượng thảo luận tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung khi chiếm khoảng một nửa thị phần, kế tiếp là miền Bắc (32,7%) trong khi khu vực miền Nam chiếm 17,6%.
Học sinh, sinh viên là đối tượng quan tâm đến trà sữa áp đảo nhất với 73,2%. Ngoài ra còn có nhóm khách hàng nhân viên văn phòng, nhân viên ngân hàng (17,2%), các nhóm khác như kinh doanh tự do, nhân viên nhà hàng, freelancer chiếm gần 10%.
Điều này cũng tương ứng với lứa tuổi của các khách hàng. Nhóm người dùng dưới 25 tuổi và 25-29 tuổi chiếm lần lượt 42,8% và 46,6%. Nhóm từ 30 tuổi trở lên không có ảnh hưởng đáng kể.
Người dùng có xu hướng tích cực tương tác, tạo thảo luận và review sản phẩm của thương hiệu mà mình yêu thích. Hiện TocoToco có tỷ lệ yêu thích và chỉ số khách hàng phản hồi tích cực cao nhất, sau đó là Gongcha và KOI Thé, Bobapop và The Alley.
Theo Kompa, Việt Nam đang trở thành thị trường cuốn hút và năng động cho ngành trà sữa. Điều này giúp người dùng Việt Nam có nhiều trải nghiệm giao lưu văn hóa ẩm thực và dần dần được biến tấu để hình thành bản sắc ẩm thực riêng.
Tuy nhiên, báo cáo của Kompa chỉ mang tính chất tham khảo khi không có sự xuất hiện của các thương hiệu lớn, độ phủ sóng cao trên thị trường như Phúc Long hay Dingtea.
Mới đây, báo cáo của Momentum Works và qlub cho biết người tiêu dùng Đông Nam Á chi khoảng 3,66 tỷ USD mỗi năm cho trà sữa trân châu. Trong đó, Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia và Thái Lan về doanh thu hàng năm, ước tính 362 triệu USD , tức gần 8.500 tỷ đồng.
Báo cáo của Reputa cũng chỉ ra trà sữa là loại đồ uống được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội với 30-50% thị phần vượt xa những đồ uống phổ thông khác như trà, nước ép hay cà phê. Nhóm 10 công ty thuộc dịch vụ F&B phổ biến trên mạng xã hội cũng luôn có sự góp mặt của các thương hiệu trà sữa tiêu biểu.