Theo Wall Street Journal, 20 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới đã thiệt hại gần 500 tỷ USD trong năm nay do thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Giá trị tài sản bốc hơi của nhóm này thậm chí nhiều hơn vốn hóa thị trường của hầu hết doanh nghiệp thuộc S&P 500.
Việc các gã khổng lồ công nghệ công bố kết quả kinh doanh quý III đầy thất vọng đã dấy lên lo ngại suy thoái của nhà đầu tư, từ đó kéo giá cổ phiếu xuống thấp và tác động tiêu cực đến khối tài sản của giới tỷ phú.
Chỉ số Bloomberg Billionaires Index cho biết giá trị tài sản ròng của Mark Zuckerberg - ông chủ Meta (công ty mẹ Facebook) - đã bốc hơi 11,2 tỷ USD tính riêng trong ngày 27/10. Sau khi công bố báo cáo kinh doanh khiến nhà đầu tư kinh ngạc, cổ phiếu của công ty nhanh chóng sụt giảm 25% giá trị.
Doanh thu của Meta chứng kiến quý suy yếu thứ hai liên tiếp, thậm chí phát sinh các khoản thua lỗ liên quan đến mảng đầu tư vào vũ trụ ảo metaverse.
20 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới đã mất 480 tỷ USD trong năm nay. Ảnh: Getty.
Từ đầu năm đến nay, tài sản của vị lãnh đạo Meta đã giảm hơn 87 tỷ USD. Hiện Zuckerberg nắm giữ khoảng 37,7 tỷ USD, trở thành người giàu thứ 28 trên thế giới. Đầu năm nay, Zuckerberg vẫn còn nằm trong top 10 dẫn đầu.
Các công ty công nghệ, vốn đã tăng trưởng mạnh mẽ trong thời kỳ đầu của đại dịch, nay phải chịu đựng nỗi đau của lạm phát cao, lãi suất tăng và tốc độ tăng trưởng quảng cáo kỹ thuật số chậm lại. Nhiều công ty bắt buộc phải kiểm soát chi phí, giám sát số lượng lãnh đạo cấp cao hoặc thậm chí sa thải nhân viên.
Tính đến phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq 100 đã giảm 29% kể từ đầu năm.
Với phần lớn giám đốc điều hành và nhà sáng lập, giá trị tài sản ròng thường có sự ràng buộc vào cổ phần của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa những thay đổi lớn về giá cổ phiếu có thể có tác động sâu sắc đến các thước đo của sự giàu có.
Elon Musk, người giàu nhất thế giới, và Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, đều chứng kiến khối tài sản hơn 58 tỷ USD bị xóa sổ trong năm nay. Trong quá khứ, cả hai doanh nhân từng có thời điểm đua nhau vị trí dẫn đầu trước khi Musk nới rộng khoảng cách với người đứng sau.
Elon Musk là Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla kiêm công ty hàng không vũ trụ SpaceX. Ông cũng thành lập Boring, một công ty kinh doanh đường hầm dưới lòng đất, và công ty khởi nghiệp khoa học thần kinh Neuralink.
Trong tuần này, Musk cũng trở thành ông chủ mới của mạng xã hội Twitter sau thương vụ mua lại hàng chục tỷ USD. Hiện Musk đang nắm giữ khối tài sản trị giá 212 tỷ USD.
Trong khi đó, khối tài sản của Jeff Bezos được định giá 134 tỷ USD. Cổ phiếu của Amazon đã giảm 7% hôm 28/10 khi Phố Wall thất vọng với dự báo doanh số bán hàng của công ty cho quý hiện tại.
Hai nhà đồng sáng lập Alphabet (công ty mẹ Google) gồm Larry Page và Sergey Brin, vốn nằm trong top 10 người giàu nhất thế giới, thiệt hại khoảng 40 tỷ USD tài sản trong năm nay. Sự ảnh hưởng thậm chí còn tồi tệ hơn sau khi Alphabet báo cáo doanh số quảng cáo trên YouTube lần đầu tiên sụt giảm.
Nhà sáng lập ByteDance là tỷ phú hiếm hoi mở rộng giá trị tài sản trong năm nay. Ảnh: Bloomberg.
Hầu hết doanh nhân công nghệ giàu nhất đều là các ông trùm người Mỹ. Dẫu vậy vẫn có số ít từ những quốc gia khác, ví dụ như Jack Ma, nhà sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding. Theo chỉ số của Bloomberg, Jack Ma đã mất 9,3 tỷ USD tài sản trong năm nay, thu hẹp tổng giá trị tài sản còn 29,1 tỷ USD.
Người phụ nữ duy nhất trong top 20 tỷ phú công nghệ giàu nhất là MacKenzie Scott, người vợ cũ của Jeff Bezos. Bà đã thiệt hại 29 tỷ USD trong năm nay nhưng một phần trong số đó là các khoản từ thiện hàng tỷ USD.
Chỉ có hai tỷ phú trong nhóm này gia tăng tài sản kể từ đầu năm là Zhang Yiming và Robert Pera. Tài sản của Zhang Yiming - người sáng lập công ty ByteDance (chủ sở hữu nền tảng TikTok) - đã tăng thêm 10,4 tỷ USD. Hiện Yiming sở hữu khoảng 54,9 tỷ USD.
Trong khi đó Robert Pera - nhà sáng lập hãng sản xuất thiết bị không dây Ubiquiti - kiếm thêm 1,3 tỷ USD, nâng giá trị tài sản ròng lên 14,7 tỷ USD.