Giao hàng miễn phí đã trở thành chiến lược bán hàng online phổ biến nhất trong thời đại mua sắm trực tuyến.
Theo khảo sát của NRF (liên đoàn bán lẻ quốc gia), 60% người mua hàng mong muốn các nhà bán lẻ sẽ freeship. Thậm chí đây còn là lý do để nhiều người quyết định mua hàng trực tuyến. Cũng theo khảo sát của NRF, 79% người tiêu dùng cho biết việc freeship để thúc đẩy họ “chốt đơn” nhanh hơn và cũng mua sắm nhiều hơn.
Việc freeship cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nó góp phần tăng sự nhận diện và khiến người dùng trung thành hơn với thương hiệu.
Tác dụng của việc freeship
Khách hàng bớt nỗi lo về những chi phí ẩn
Theo Statista, 56% người mua sắm từ bỏ giỏ hàng trực của họ khi gặp phải những chi phí phát sinh. Bằng cách hiển thị rõ ràng giao hàng miễn phí hoặc giảm giá, doanh nghiệp giúp khách hàng loại bỏ nỗi lo này. Từ đây, hành vi “chốt đơn” được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Nếu doanh nghiệp giao hàng miễn phí trên số món đồ hay số tiền nhất định, hãy cho người mua hàng biết ngay từ đầu.
Khách hàng có một cái cớ để “chốt đơn”
Khách hàng truy cập trang web hay fanpage của doanh nghiệp vì họ thực sự quan tâm đến sản phẩm và có nhu cầu mua sắm. Lúc này, hãy cho họ một cái cớ để có thể chuyển đổi từ mong muốn thành hành động.
Theo một cuộc khảo sát do Forbes thực hiện, 84% người mua hàng đã “chốt đơn” vì được giao hàng được miễn phí. 30% người mua sắm nói rằng họ có khả năng mua thêm một vài hàng để đủ điều kiện nhận giao hàng miễn phí.
Hiệu ứng tâm lý của việc freeship
Hiệu ứng đóng khung tâm lý
Hiệu ứng đóng khung (Framing efffect hay Framing bias) là xu hướng đưa ra quyết định của não bộ dựa trên cách mà thông tin được trình bày.
Ví dụ:
Lựa chọn 1: Thỏi son giá 500.000 đồng, phí ship 50.000 đồng
Lựa chọn 2: Thỏi son giá 550.000 đồng, giao hàng miễn phí
Xét về giá trị, khách hàng đều phải trả 550.000 đồng. Tuy nhiên, việc sử dụng các chữ cái in hoa trong cụm từ “giao hàng miễn phí” giúp nhấn mạnh lợi ích vận chuyển mà khách hàng nhận được cũng như nâng tầm giá trị của sản phẩm. Điều này khiến họ có nhiều khả năng lựa chọn sản phẩm hơn.
Hiệu ứng chim mồi:
Hiệu ứng chim mồi còn có tên gọi khác là ưu thế bất cân xứng. Hiệu ứng chim mồi không bắt khách hàng lựa chọn giữa A hay B mà sẽ đưa ra 3 phương án A, B và C. Tuy nhiên trạng thái bất cân xứng giữa 3 phương án này sẽ điều hướng khách hàng mua sản phẩm mà bạn mong muốn.
Ví dụ nổi tiếng nhất về hiệu ứng chim mồi được giới thiệu bởi giáo sư kinh tế Dan Ariely.
Ông đưa ra các gói đăng ký của tờ The Economist như sau:
Lựa chọn A: Chỉ gồm bản online, giá 59 đô la Mỹ
Lựa chọn B: Chỉ gồm bản in, giá 125 đô la Mỹ
Lựa chọn C: Gồm cả bản trực tuyến và bản in, giá 125 đô la Mỹ.
Khi Ariely thực hiện thử nghiệm này với các sinh viên của mình, ông phát hiện có đến 84% người tham gia chọn lựa chọn C, 16% chọn lựa chọn A và 0% chọn lựa chọn B.
Ở tình huống này, B chính là lựa chọn mồi. Vì có B nên người ta sẽ cân nhắc tích cực hơn cho C bởi lẽ bạn chẳng cần móc thêm hầu bao mà vẫn nhận được bản trực tuyến lẫn bản in.
Hiệu ứng chim mồi của việc giao hàng miễn phí là mang đến sự thay đổi nhận thức về sản phẩm bày bán. Khách hàng cảm thấy rằng việc giao hàng miễn phí đang cung cấp điều gì đó khác biệt so với lựa chọn ban đầu, mặc dù tổng chi phí là như nhau.
Không thể phủ nhận "cái bẫy" freeship rất ngọt ngào và đôi khi chúng ta để mình dễ dàng lọt vào. Tuy nhiên, hãy cân nhắc xem bạn có thực sự cần món đồ này không chứ đừng mù quáng “chốt đơn” chỉ vì 4 chữ giao hàng miễn phí.