Thị trường chứng khoán vừa có chuỗi 7 tăng điểm liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài thứ 2 kể từ hồi đầu năm khi VN-Index tăng liền 8 phiên vượt ngưỡng 1.100 điểm. Dù biên độ tăng không quá lớn, song sự hồi phục này cũng khiến nhà đầu tư kỳ vọng thị trường xác lập xu hướng tăng ngắn hạn.
Rủi ro ngắn hạn chưa phản ánh hết
Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Agriseco, VN-Index vẫn đang nằm trong xu hướng tích lũy khi trợ lực quan trọng đến từ dòng tiền khối ngoại, đặc biệt là quỹ Fubon khi quỹ này vẫn đang trong quá trình giải ngân khá tích cực.
Mặc dù vậy, chuyên gia cho rằng rủi ro của thị trường có thể vẫn chưa phản ánh hết, áp lực chốt lời tại những cổ phiếu đã tăng mạnh trong giai đoạn này hoàn toàn có thể xuất hiện.
Bởi KQKD của các doanh nghiệp trong Quý 1 và thậm chí Quý 2 nhiều khả năng sẽ nghiêng về gam tối, điều này ảnh hưởng tới khả năng tăng giá của cổ phiếu. Bên cạnh đó, những biến động từ vĩ mô quốc tế vẫn là một ẩn số khó lường với thị trường.
"Nhiều kỳ vọng cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp có thể tạo đáy trong Quý 1, song tôi cho rằng không chỉ Quý 1 mà kể cả Quý 2, các doanh nghiệp có thể vẫn sẽ ghi nhận tăng trưởng thấp do mức nền cao của cùng kỳ năm 2022.
Thông thường, thị trường chứng khoán sẽ khó tăng điểm ngay nếu triển vọng lợi nhuận chưa thực sự tích cực. Do đó, các rủi ro tiềm ẩn về kết quả kinh doanh kém tích cực có thể xảy ra, nhà đầu tư cũng cần biết và lường trước những điều này trong quá trình đầu tư", ông Khoa nhận định.
Mặc dù vậy, sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường có thể xuất hiện trong Quý 3-Quý 4 năm nay và đây sẽ là cơ hội để giải ngân trong giai đoạn tới.
Đáy dài hạn đã được xác lập?
Nhận định về số liệu vĩ mô Quý 1 mới công bố, chuyên gia đánh giá mức tăng trưởng GDP trong quý này ở mức khá thấp trong các tháng gần đây cũng như so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2022 (mức tăng trưởng này chỉ cao hơn so với thời điểm đỉnh dịch Covid-19). Trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, cho thấy sự khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Tuy nhiên, điểm sáng ở chỉ số CPI với mức giảm 0,23% so với tháng trước, cho thấy xu hướng giảm đang xuất hiện và tạo thêm dư địa để điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới. Với con số như được công bố, có thể thấy sức cầu của nền kinh tế nhìn chung còn yếu và các chính sách kích cầu như giảm lãi suất, tăng chi tiêu Chính phủ sẽ được thực thi để hỗ trợ nền kinh tế. Vì vậy, thông tin về số liệu vĩ mô Quý 1 nhìn chung sẽ hỗ trợ tích cực tới thị trường trong trung và dài hạn.
Với việc lạm phát đang có dấu hiệu tạo đỉnh, để nói thị trường chứng khoán đã thực sự tạo đáy thì còn khá sớm, song chuyên gia cũng nhận thấy quá trình tạo đáy đang dần hình thành.
Điều này thể hiện qua việc nhiều thông tin tiêu cực về KQKD các doanh nghiệp đã xuất hiện, sự tham gia của dòng vốn khối ngoại tại các nhịp giảm sâu của thị trường (giai đoạn tháng 11/2022-tháng 1/2023 vừa qua), thanh khoản sụt giảm sâu, có thời điểm về khoảng trên dưới 7.000 tỷ đồng (chỉ bằng chưa tới 20% so với thời điểm thị trường ở vùng đỉnh – khoảng 40.000 tỷ đồng).
Thời gian tới, các thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh vẫn có thể xuất hiện và ảnh hưởng tới giá cổ phiếu, song nhà đầu tư nếu với mục tiêu nắm giữ trung – dài hạn hoàn toàn có thể bắt đầu quan sát và chọn lọc dần các cơ hội đầu tư phù hợp.
Với diễn biến thị trường hiện tại, nhà đầu tư nên có hành động dựa theo mức tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư. Nếu có lãi, nhà đầu tư có thể canh hạ tỷ trọng khi thị trường tiến tới vùng kháng cự (khoảng 1.060 điểm) và quan sát chờ giải ngân khi thị trường điều chỉnh về các vùng hỗ trợ (1.030-1.040 điểm).
Đối với tầm nhìn trung và dài hạn, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên chờ đợi các thông tin kém khả quan từ KQKD của các doanh nghiệp rồi mới tham gia để có được một vị thế giá tốt khi tham gia thị trường.