Theo VNDirect, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 4/2022 của Techcombank lên đến 4.500 tỷ đồng.
Techcombank đứng đầu giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp
Trong báo cáo về Thị trường trái phiếu quý 3/2022, Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDirect) ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 4/2022 đạt mức 58.840 tỷ đồng - giảm 9,1% so với quý 3 nhưng lại tăng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Được biết, VNDirect thống kê các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ năm 2019 đến ngày 4/10/2022 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). VNDirect cũng ước tính có khoảng 142.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trong 9 tháng đầu năm 2022.
Trong quý 4/2022, bất động sản tiếp tục là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất về giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn với 34,1% (20.071 tỷ đồng), giảm 40,3% so với quý 3/2022 nhưng tăng 65,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó phải kể đến các doanh nghiệp giá trị đáo hạn cao nhất như: CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (3.000 tỷ đồng) và CTCP Bách Hưng Vương (2.980 tỷ đồng)...
Bất động sản và Tài chính là 2 ngành phải đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cao nhất trong quý 4/2022.
Tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 32,9% tổng giá trị đáo hạn trong quý 4 (19.365 tỷ đồng), giảm 19,4% so với quý 3/2022 song lại tăng 130,1% so với cùng kỳ.
Các tổ chức tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý 4/2022 gồm: Techcombank 4.500 tỷ đồng, VIB 3.000 tỷ đồng và VPB 1.950 tỷ đồng.
Phát hành gần 12.000 tỷ đồng trái phiếu sau thanh tra
Trước đó hồi cuối năm 2021, Techcombank là 1 trong 8 ngân hàng thuộc diện thanh tra của Ngân hàng Nhà nước theo Công điện số 8857/CĐ-VPCP về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành.
Đến tháng 4/2022, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng gồm Techcombank, TP Bank, SHB, VietBank, SeABank, HDBank, PVCombank. Riêng Baoviet Bank thì do Bộ Tài chính thực hiện.
Đoàn thanh tra giám sát đã báo cáo người ra quyết định thanh tra và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo kết quả thanh tra, bổ sung nội dung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Đồng thời, kết quả thanh tra được gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xử lý các sai phạm liên quan đến việc sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành.
Theo HNX, Techcombank “ồ ạt” phát hành trái phiếu với tổng giá trị gần 12.000 tỷ đồng trong vòng chưa đầy 3 tháng.
Ngay sau đó trong vòng chưa đầy 3 tháng (29/4/2022 đến ngày 15/7/2022), Techcombank “ráo riết” đã hoàn tất phát hành 11 lô trái phiếu với tổng giá trị lên tới 11.950 tỷ đồng.
Cụ thể, theo HNX, Techcombank đã phát hành các lô trái phiếu có mã TCBL2225001, TCBL2225002, TCBL2225003, TCBL2225004, TCBL2225005, TCBL2225006, TCBL2225007, TCBL2225008, TCBL2225009, TCBL2225010 và TCBL2225011.
Tất cả các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn từ tháng 4 - 7/2025. Tuy nhiên, trong các văn bản gửi HNX do bà Vũ Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Cao cấp Thị trường Tài chính Techcombank ký đều công bố thông tin khá sơ sài.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022, tính đến ngày 30/6/2022, tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán Techcombank đạt 97.227 tỷ đồng.
Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất đạt 49.345 tỷ đồng, chiếm tới 50,7% tổng giá trị đầu tư. Tiếp đến, trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác là gần 25.435 tỷ đồng, chiếm gần 26,2% tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán; Chứng khoán Chính phủ ghi nhận 22.169 tỷ đồng, chiếm 22,8%.