Mới đây, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent đã cho mắt một mô hình trí tuệ nhân tạo dành riêng cho doanh nghiệp có tên gọi là Hunyuan. Tencent cho biết họ đang thử nghiệm nội bộ mô hình mới về mảng quảng cáo và fintech. Ngoài ra gã khổng lồ cũng cho biết họ đang chuẩn bị ra mắt một chatbot AI.
Ông Dowson Tong, Giám đốc điều hành về mảng đám mây và công nghiệp thông minh của Tencent cho hay, Tencent đang tích hợp các khả năng của Hunyuan với các sản phẩm hiện có dành cho hội nghị truyền hình và phương tiện truyền thông xã hội. Công ty hiện đang vận hành Wechat, một ứng dụng nhắn tin và thanh toán được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc và nền tảng hội nghị video Tencent Meet.
Baidu và một số công ty Trung Quốc khác đã được bật đèn xanh trong vài tuần qua để phát hành các chatbot hỗ trợ AI ra công chúng.
Tương tự như ChatGPT, các bot sẽ trả lời các truy vấn theo kiểu trò chuyện giống con người, nhưng chủ yếu là bằng tiếng Trung Quốc. Chẳng hạn như Ernie Bot của Baidu, cũng chuyển đổi văn bản thành hình ảnh và video với sự trợ giúp của các plugin.
ChatGPT của OpenAI hiện chưa chính thức được hoạt động tại Trung Quốc, việc phát hành chatbot tại quốc gia này phải tuân theo quy định mới nhất về AI tổng quát có hiệu lực từ ngày 15/8.
Khi được hỏi về các quy định, CEO Tencent đã trả lời rằng, trí tuệ nhân tạo còn quá mới mẻ nên ít ai biết nó có tác động gì tới xã hội.
Chính quyền Trung Quốc cho biết các quy định “tạm thời” có hiệu lực vào tháng trước sẽ không áp dụng cho các công ty phát triển công nghệ AI miễn là sản phẩm này chưa được cung cấp rộng rãi cho công chúng. Điều đó thoải mái hơn so với bản dự thảo được công bố vào tháng 4 năm nay, cho biết các quy định sẽ được áp dụng ngay cả ở giai đoạn nghiên cứu.
Sự phát triển AI tại Trung Quốc đang bị hạn chế
Trong khi các giới chức tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đang thể hiện rằng họ ủng hộ việc phát triển AI nhiều hơn so với lo ngại ban đầu, nhưng các công ty của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với sự hạn chế của Mỹ trong việc cấp chất bán dẫn tiên tiến. Đó là các phiên bản tiên tiến nhất của chip công nghệ cao, được gọi là bộ xử lý đồ họa (GPU), cho phép các công ty đào tạo mô hình AI.
“Những hạn chế chúng tôi phải đối mặt đang cản trở sự phát triển”, ông Dowson Tong chia sẻ trong buổi phỏng vấn với CNBC.
Ông cho hay, nhu cầu về sức mạnh tính toán nói chung vượt xa nguồn cung ở Trung Quốc. Để giảm thiểu sự thiếu hụt, ông cho biết các công ty đang “tập trung vào các trường hợp sử dụng cụ thể, xây dựng các mô hình có quy mô phù hợp”.
“Chúng tôi hi vọng rằng nguồn cung GPU sẽ lớn hơn trong những tháng tới để có thể đẩy nhanh sự phát triển của những tiến bộ công nghệ”, ông đáp.
AI dành cho doanh nghiệp
Đã có rất nhiều công ty Trung Quốc, từ các công ty khởi nghiệp đến những doanh nghiệp lớn đều gấp rút cho ra mắt các sản phẩm AI trong năm nay. Tencent chỉ là một doanh nghiệp nằm trong số đó. Trong tháng 8 vừa qua, Alibaba cũng đã công bố mô hình AI riêng của mình cho các nhà phát triển bên thứ ba.
CEO Tencent chia sẻ rằng, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi phải được đào tạo theo từng ngành cụ thể để công nghệ tạo ra giá trị. Ông liệt kê các trường hợp sử dụng kinh doanh trong du lịch, tài chính, dịch vụ công cộng và dịch vụ khách hàng.
Ông nói: “Trên thực tế, chúng tôi tin rằng nhiều khách hàng khác nhau sẽ được hưởng lợi nhiều hơn bằng cách tận dụng các mô hình nguồn mở và sử dụng dữ liệu doanh nghiệp của riêng họ để đào tạo cho các mô hình của riêng họ nhằm đáp ứng các nhu cầu rất cụ thể trong các trường hợp sử dụng công nghiệp của họ”.
Ngoài ra, Dowson Tong cũng nói việc làm này sẽ giúp họ bảo vệ dữ liệu.