Tesla yêu cầu một khách hàng trả 4.500 USD để mở dung lượng pin, tương đương 129 km phạm vi hoạt động của xe bị khoá bằng phần mềm.
Trước đây, Tesla từng bán các mẫu Model S với dung lượng pin khác nhau. Thực chất chúng dùng chung cục pin, chỉ được giới hạn phạm vi hoạt động bằng phần mềm.
Câu chuyện được Jason Hughes, một hacker khét tiếng được biết đến về dịch vụ kích hoạt tính năng bị khóa trong xe Tesla kể lại. Khách hàng mua lại một chiếc Tesla Model S 60 (pin bị khóa ở mức 60 kWh), nhưng từng được Tesla bảo hành, thay pin và mở dung lượng 90 kWh rồi trả cho khách.
Bởi các dòng xe Tesla cũ chỉ có kết nối 3G, khách hàng này đã đến trung tâm bảo hành của Tesla để được cập nhật phần mềm nhằm đảm bảo xe có thể kết nối Internet. Sau khi đưa xe đến Tesla bảo hành, vị khách đã nhận được cuộc gọi từ trung tâm sửa chữa, nói rằng họ đã tìm thấy lỗi trong hệ thống và họ sẽ tiến hành “sửa chữa lại” chiếc xe.
"Bản vá lỗi” của Tesla đã đưa chiếc xe của vị khách ngược trở lại cấu hình ban đầu, tương tự Model S 60, giảm khoảng 129 km phạm vi hoạt động của xe với cho dù vị khách đã nâng cấp pin.
Cho dù vị khách cố gắng giải thích mình mua lại khi xe đang là mẫu Model S 90 và yêu cầu công ty kích hoạt lại phạm vi bị khóa, Tesla vẫn yêu cầu người này phải trả 4.500 USD để mở khóa phạm vi mở rộng.
Hughes nhận ra rằng tuy có thể sử dụng bản hack phần mềm để khôi phục lại phạm vi hoạt động, việc này sẽ yêu cầu xe ngắt kết nối hoàn toàn khỏi các dịch vụ của Tesla, ngược lại mục đích ban đầu của vị khách hàng.
Bởi vậy, thay vì hack vào hệ thống xe, Hughes quyết định đưa câu chuyện lên mạng xã hội. Ngay lập tức, bài đăng của anh được mạng xã hội lan truyền mạnh mẽ. Chỉ sau khi chủ đề thu hút dư luật một cách mạnh mẽ, Tesla mới liên hệ với khách hàng để thông báo họ sẽ "xử lý vấn đề ngay lập tức".
Chỉ đến khi nhận được phản ứng tiêu cực của cộng đồng mạng, hãng xe điện mới nhượng bộ với người dùng.
Trong quá khứ, Tesla từng bán xe Model S với viên pin bị khóa bằng phần mềm. Phiên bản Tesla Model S 40 mà hãng ra mắt thực tế là Model S với viên pin 60 kWh bị khóa bằng phần mềm, khiến pin của xe chỉ vận hành ở mức công suất 40 kWh. Đây là cách công ty sử dụng để cung cấp nhiều tùy chọn phạm vi khác nhau cho người dùng mà không khiến công đoạn sản xuất bị phức tạp lên với các viên pin khác nhau.
Sau khi xe đến tay khách hàng, Tesla bắt đầu cung cấp cho chủ sở hữu tùy chọn mở khóa hoàn toàn dung lượng pin với một khoản phí bổ sung. Tuy đã loại bỏ mô hình kinh doanh từ nhiều năm qua, công ty vẫn sử dụng các bộ pin bị khóa phần mềm khi thực hiện thay thế hay bảo hành cho các mẫu xe nhất định mà hãng không sản xuất nữa.