Theo KrASIA, Tesla đang thành lập nhóm gồm 20 thành viên nhằm quảng bá và triển khai công nghệ FSD độc quyền tại Trung Quốc. Nguồn tin thân cận cho biết, Tesla đã cử một số kỹ sư từ trụ sở chính sang Trung Quốc để đào tạo đội ngũ. Công ty cũng xây dựng một nhóm quản lỹ dữ liệu nhằm chỉ huy lực lượng lao động hơn 100 người sẵn sàng đào tạo thuật toán FSD.
Tesla cũng lên kế hoạch giải quyết vấn đề lưu trữ dữ liệu phương tiện. Ngày 14/8, đại gia EV thông báo thành lập trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc để lưu trữ tất cả dữ liệu xe của hãng đã bán ra thị trường đại lục.
FSD là công nghệ tự lái hoàn toàn được Tesla đầu tư nghiên cứu trong nhiều năm qua. Công nghệ này khác với hệ thống hỗ trợ Autopilot hiện đang được áp dụng. FSD được thiết kế để xe có thể tự động hoàn toàn mà không cần tài xế con người can thiệp.
Lần đầu tiên, Tesla giới thiệu FSD Beta (phiên bản thử nghiệm) ở Bắc Mỹ vào đầu năm 2020. Sau nhiều trì hoãn, FSD đã gần đạt được kết quả cuối cùng. Giám đốc Điều hành Tesla Elon Musk mới đây đã chia sẻ bản nâng cấp tiếp theo, FSD V12, sẽ không còn là phiên bản thử nghiệm và có sẵn cho tất cả tài xế Tesla.
CEO Musk thường xuyên nhấn mạnh rằng, FSD hiếm khi cần sự can thiệp của con người trong các cuộc thử nghiệm tại Mỹ. Ông tuyên bố công nghệ này có đủ khả năng tự lái cấp độ 4 hoặc thậm chí là cấp độ 5.
Từ quan điểm chuyên môn, công nghệ FSD của Tesla đã đạt đến giai đoạn phát triển tương đối tiên tiến, cho phép công ty triển khai ở nhiều thị trường khác nhau. Các báo cáo 6 tháng đầu năm nay ủng hộ quan điểm này, cho thấy Tesla đã tích cực thử nghiệm FSD tại các thị trường như Anh, Na Uy, Đức và Trung Quốc.
Giải quyết đối thủ cạnh tranh nội địa
Một số nhà sản xuất ô tô trong nước và các công ty công nghệ đã tích cực thúc đẩy giải pháp lái xe thông minh. Nhiều công ty như Huawei, XPeng, Li Auto và NIO đã mở rộng mức độ phủ sóng của các ứng dụng hỗ trợ lái xe, từ phạm vi đường cao tốc đến khu vực đô thị, đồng thời, phác thảo kế hoạch triển khai công nghệ tự lái tại hàng trăm thành phố.
Lái xe thông minh và khả năng tự hành chắc chắn sẽ trở thành một trong những trọng tâm phát triển sản phẩm của các ông lớn. Suốt hai năm qua, việc các hãng xe Trung Quốc tập trung phát triển sản phẩm và đặt mục tiêu cạnh tranh trực tiếp đã thúc đẩy Tesla nhanh chóng ra mắt thuật toán FSD.
Thuật toán FSD của Tesla được tinh chỉnh qua nhiều năm vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu trong ngành. Các mô-đun cảm biến giúp xe nhận biết môi trường xung quanh chính xác hơn, đặc biệt trong tình huống có vật thể lạ hoặc tầm nhìn thấp. Nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu FSD và các mô-đun tương tự, cho thấy vị trí quan trọng của Tesla trong việc nắm giữ lợi thế ban đầu.
Rào cản và thách thức
Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng Tesla đang giải quyết một trong những rào cản cuối cùng của quá trình phát triển FSD là kiểm soát phương tiện. Theo CEO Musk, thuật toán AI có thể làm giảm hiệu năng các mô-đun điều khiển truyền thống.
Ngoài ra, những thách thức công nghệ trong vận hành xe tự lái xoay quanh khía cạnh nhận thức, dự đoán và kiểm soát. Theo CEO Musk, FSD V12 sẽ có cấu trúc "end-to-end" độc quyền, tích hợp thành mô hình thống nhất.
Ngoài ra, việc đào tạo các thuật toán điều khiển đang tiến triển thuận lợi, với những hạn chế tạm thời về mặt tính toán. Tesla hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết thông qua siêu máy tính Dojo do hãng phát triển và triển khai hoạt động từ tháng 7 năm nay.
Rò ràng, phát triển thuật toán hiệu quả phần lớn dựa vào lượng dữ liệu đào tạo. Tệp khách hàng dồi dào cùng phần mềm lái xe tự động tập trung của Tesla đã giúp công ty tích lũy lượng dữ liệu phong phú hơn nhiều đối thủ cạnh tranh. Hơn nữa, Tesla đã triển khai các tính năng FSD cho hàng trăm nghìn xe, tích lũy hơn 300 triệu dặm thử nghiệm tính đến hết quý II năm 2023. Bộ dữ liệu quy mô như vậy lấn át hoàn toàn những gì các thương hiệu Trung Quốc đang có.
Tuy nhiên, công nghệ Tesla có đáp ứng được những thách thức của thị trường Trung Quốc hay không vẫn là một ẩn số. Điều kiện đường xá ở Trung Quốc khác với Hoa Kỳ, đặc biệt tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi có hệ thống giao thông khá phức tạp.
Theo nhiều chuyên gia Trung Quốc, việc đưa FSD vào nước này cần phải thử nghiệm thực tế để tối ưu hóa hiệu suất của phần mềm khi chạy trên đường xá địa phương. Quá trình mở rộng cũng đòi hỏi phần mềm thu thập hàng loạt dữ liệu đường bộ, hiểu biết sâu sắc các vấn đề an toàn giao thông nước sở tại và sự cho phép từ cơ quan quản lý.
Thu hút nhân tài, mua sắm thiết bị, thử nghiệm và nghiên cứu - tất cả những điều này đòi hỏi thời gian cũng như sự đầu tư đáng kể. Bất chấp lợi thế công nghệ vượt bậc, Tesla vẫn có thể phải vật lộn để xây dựng chỗ đứng ở thị trường Trung Quốc trước những đối thủ nội địa.