Theo báo cáo của quỹ Ellen MacArthur và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, một số “ông lớn” như Coca-Cola và Pepsi đang sử dụng nhiều nhựa nguyên sinh hơn mặc dù đã cam kết giảm thiểu. Theo Reuters, báo cáo được đưa ra vào thời điểm các thành viên Liên Hợp Quốc sẽ gặp nhau tại Uruguay trong tháng này để bắt đầu đàm phán về hiệp ước nhựa toàn cầu lần đầu tiên, nhằm mục đích kiềm chế ô nhiễm chất thải tăng cao, làm hỏng hệ sinh vật biển và ô nhiễm thực phẩm.
Hiện các thành viên của Liên Hợp Quốc đang thúc đẩy một hiệp ước có khả năng ràng buộc pháp lý đối với ngành hàng tiêu dùng và hóa dầu, thúc đẩy tăng hàm lượng tái chế trong bao bì, sử dụng ít nhựa nguyên sinh có nguồn gốc từ dầu mỏ. Trong những năm gần đây, hàng chục thương hiệu lớn đã đặt ra mục tiêu tăng cường tái chế rác thải nhựa và giảm việc sử dụng bao bì dùng một lần với sự hợp tác của quỹ Ellen MacAurthur.
Năm 2021, Coca Cola vẫn là “ông trùm” xả rác thải nhựa, theo báo cáo kiểm toán thương hiệu năm 2021 được phát hành bởi tổ chức Break Free From Plastic. Điều này đồng nghĩa Coca Cola đã giữ vị trí này 4 năm liên tiếp kể từ năm 2018, dù tập đoàn này đã đưa ra cam kết thu gom các chai nhựa được bán ra. Với gần 3 triệu tấn bao bì nhựa được sử dụng năm 2020, Coca Cola chịu trách nhiệm cho khoảng 10% rác thải nhựa trên toàn thế giới.
Đối thủ cạnh tranh của Coca Cola trong năm 2021 là Pepsico giữ vị trí thứ 2 trong danh sách xả thải rác nhựa. Gần đây, Pepsico đã đưa ra một số cam kết tự nguyện nhằm giảm việc tiêu thụ nhựa nguyên sinh, tuy nhiên, theo Break Free From Plastic, những nỗ lực cần được triển khai theo hướng thực tiễn hơn để rời khỏi top đầu những “thủ phạm” gây ô nhiễm.
Một số “ông lớn” như Coca-Cola và Pepsi vẫn đang sử dụng nhiều nhựa nguyên sinh mặc dù đã cam kết giảm thiểu.
Một doanh nghiệp ngành FMCG khác là Unilever năm ngoái đã lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 3 của bảng xếp hạng, dù tập đoàn này là đối tác chính của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) được tổ chức tại Glasgrow. Nestlé; P&G; Mondelez International; Philip Morris International; Danone; Mars. Inc và Colgate-Palmolive lần lượt là những thương hiệu nằm trong top 10 doanh nghiệp xả thải nhiều nhựa nhất ra môi trường trong năm 2021.
Theo ông Abigail Aguilar, Điều phối viên khu vực Đông Nam Á của các chiến dịch về nhựa thuộc tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cho biết, không có điều gì ngạc nhiên khi các thương hiệu nổi danh toàn cầu kể trên luôn nằm trong top những doanh nghiệp xả nhiều rác nhựa nhất. Theo nghiên cứu của tổ chức Greenpeace, hoạt động của các doanh nghiệp nằm trong top đầu như Coca Cola, Nestlé và Pepsico đã và đang tiếp tục tạo điều kiện cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch tiếp tục sản xuất nhựa nguyên sinh.
Tất cả các doanh nghiệp này đều đưa ra tuyên bố thể hiện trách nhiệm của mình với rác nhựa, tuy nhiên nỗ lực của họ chưa thực sự hiệu quả. Đầu năm 2022, Coca-Cola đã cùng với PepsiCo và các thương hiệu quốc tế khác đã kêu gọi thiết lập một hiệp ước toàn cầu nhằm giảm sản lượng nhựa, nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới. Ngày 10/2, Coca-Cola thông báo đặt mục tiêu đến năm 2030, 25% sản phẩm bao bì trên toàn cầu của hãng là loại có thể tái sử dụng, một phần trong nỗ lực hạn chế tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới.
Tất cả các doanh nghiệp này đều đưa ra tuyên bố thể hiện trách nhiệm của mình với rác nhựa, tuy nhiên nỗ lực của họ chưa thực sự hiệu quả.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của quỹ Ellen MacArthur và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phân tích rằng những cam kết 100% bao bì nhựa sẽ có thể tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy vào năm 2025, “gần như chắc chắn hầu hết tổ chức sẽ không thể đạt được”. Greenpeace cho biết báo cáo này là bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp đã thất bại và kêu gọi Liên hợp quốc xây dựng một hiệp ước ràng buộc chính phủ và các công ty của mình ít sử dụng bao bì nhựa dùng một lần thêm nữa.
Graham Forbes, Trưởng dự án Nhựa toàn cầu Mỹ của Greenpeace cho biết: “Nhựa sinh học đang được quảng cáo là giải pháp cho ô nhiễm nhựa. Nhưng ý tưởng rằng cứ thoải mái vứt bỏ chai lọ và bao bì làm bằng chất liệu gốc thực vật rồi chúng sẽ tự phân hủy và biến mất là sai lầm: tái chế và tái sử dụng là chiến lược duy nhất hữu hiệu”.
Coca-Cola gọi loại hộp nhựa tái chế mới là PlantBottle với 30% chất liệu được làm từ cây mía và các loại thực vật khác, 70% còn lại là chất liệu truyền thống từ nhựa gốc dầu. Công ty tiết lộ rằng PlantBottle hiện chiếm gần 1/3 số chai ở Bắc Mỹ và 7% trên toàn cầu. Nhưng bất chấp sự thúc đẩy ngày càng tăng trong những năm gần đây để tạo ra một loại nhựa hữu cơ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sau khi sử dụng sẽ trở lại là một phần của tự nhiên, việc chế tạo nhựa sinh học vừa rẻ vừa hiệu quả vẫn là thách thức lớn.
Thực tế, tái chế và tái sử dụng là chiến lược duy nhất hữu hiệu.
Thay vào đó, nhiều chuyên gia tin rằng giải pháp cho rác thải nhựa không nằm ở việc phát triển các loại nhựa sinh học tốt hơn mà ở việc đại tu nền kinh tế thế giới để tái chế lượng nhựa lớn hơn nhiều mức hiện đang được tái sử dụng. Chuyên gia sinh thái công nghiệp Marian Chertow thuộc Khoa Môi trường, Đại học Yale nói rằng bước quan trọng là không đặt trách nhiệm tái chế lên vai các chính phủ mà phải yêu cầu các công ty sử dụng bao bì đóng vai trò chính trong việc tái chế và tái sử dụng. “Đó được gọi là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: nhận lại sản phẩm. Các chính phủ không thể tái chế tất cả những thứ này”, bà Marian Chertow nói.
Trong khi đó, báo cáo của tổ chức Greenpeace công bố ngày 24/10/2022 cho thấy tỷ lệ nhựa tái chế đang giảm trong khi sản lượng nhựa mới nguyên chất lại tăng nhanh, khiến những cam kết về việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn và hiệu quả đang trở thành "điều viển vông". Nghiên cứu của Greenpeace Mỹ đã chỉ ra rằng các hộ gia đình ở nước này đã thải ra khoảng 51 triệu tấn rác thải nhựa trong năm 2021, nhưng chỉ 2,4 triệu tấn (tương đương khoảng 5%) trong số đó được tái chế.