Theo Mohammed bin Salman, Thái tử Saudi Arabia, Riyadh Air (RIA) sẽ do chính phủ cấp vốn và 100% thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư Công của nhà nước. Đây là một dự án đầy tham vọng của Chính phủ Saudi Arabia nhằm xây dựng một ngành hàng không bền vững hơn về mặt tài chính, từ đó giảm sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ.
RIA sẽ hoạt động tại một sân bay hoàn toàn mới ở thủ đô Riyadh, do công ty kiến trúc Foster and Partners thiết kế. Sân bay sở hữu diện tích khổng lồ 57 km2, có 6 đường băng song song và có khả năng tiếp nhận 185 triệu hành khách mỗi năm.
Các quan chức của Saudi Arabia tuyên bố sân bay mới này sẽ sử dụng năng lượng tái tạo. Mục đích của họ là biến Riyadh thành một trong 10 thành phố có nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia cho biết RIA dự kiến tạo ra doanh thu 20 tỷ USD, đóng góp vào tăng trưởng GDP của lĩnh vực phi dầu mỏ. “RIA sẽ là một hãng hàng không đẳng cấp thế giới, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và bền vững tốt nhất trên thế giới”, Hãng thông tấn SPA cho hay.
RIA đặt mục tiêu bay tới 100 điểm đến trên toàn cầu trong vòng bảy năm tới. Lượng khách ban đầu hãng hàng không này nhắm đến là các hành khách trung chuyển quốc tế đi từ phía đông sang phía tây và ngược lại. Kế hoạch này giống với mô hình kinh doanh của Emirates, hãng hàng không đối thủ của RIA.
Theo tờ Wall Street Journal đưa tin, Saudi Arabia đã gần đạt được thỏa thuận trị giá 35 tỷ USD với nhà sản xuất máy bay Boeing. Nếu chỉ tính riêng thỏa thuận với Boeing, hãng RIA có thể sở hữu hơn 100 máy bay thương mại.
Những chiếc máy bay mà Riyadh Air sắp sử dụng “rất tiết kiệm nhiên liệu, do đó thải ra ít khí CO2 hơn so với máy bay của một số đối thủ cạnh tranh”, Rico Merkert, giáo sư về vận tải và quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Sydney (Australia) nói với báo Washington Post.
Cũng theo GS Merkert, sự cạnh tranh của các hãng bay trong khu vực có thể hạ giá vé cho những người muốn quá cảnh qua Trung Đông.
Tuy nhiên, để cạnh tranh, Riyadh Air sẽ phải vượt qua những khác biệt về văn hóa. Saudia, hãng hàng không quốc gia Saudi Arabia, không phục vụ rượu trên các chuyến bay của họ. Trong khi đó, đối thủ Emirates lại nổi tiếng với việc phục vụ nhiều loại rượu khác nhau.
Ngoài ra, các hãng hàng không ở khu vực Trung Đông tận dụng tối đa vị trí địa lý của họ như một cửa ngõ giữa châu Âu, châu Á và châu Phi. Các chuyến bay giữa châu Âu và châu Á thường phải dừng lại ở vùng Vịnh, đặc biệt là khi xung đột Ukraine khiến nhiều đường bay dài hơn bình thường vì các hãng hàng không tránh không phận Nga.
Do đó, RIA sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng bay khác trong khu vực như Emirates và Etihad Airways của UAE hay Qatar Airways của Qatar.