Tại triển lãm điện tử CES 2020 ở Las Vegas (Mỹ), Kenichiro Yoshida, CEO Sony đã công bố kế hoạch tham gia lĩnh vực xe điện. Khi kết thúc bài phát biểu dài 30 phút, Yoshida tiết lộ thiết kế mẫu xe Vision-S, đồng thời tuyên bố "xe hơi sẽ là xu hướng tiếp theo".
Sony chỉ là một trong nhiều hãng công nghệ lớn nuôi tham vọng gia nhập lĩnh vực xe điện. Xu hướng tích hợp công nghệ tự lái, thiết bị thông minh và kết nối Internet lên xe điện khiến nhiều hãng công nghệ không ngần ngại tham gia thị trường trị giá 3.000 tỷ USD. Trong số đó, nổi bật nhất là Apple với dự án xe điện được đồn đại suốt nhiều năm.
Liên doanh xe điện Sony - Honda
Trong khi nhóm công ty công nghệ lớn (Big Tech) phải đối mặt cạnh tranh từ các hãng xe truyền thống, Sony chọn giải pháp hợp tác cùng Honda để phát triển xe điện. Người đóng vai trò quan trọng là Toshihiro Mibe. Năm 2020, ông đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của Honda trước khi được bổ nhiệm làm CEO vào năm 2021.
Trong các hãng xe Nhật, Honda là cái tên quan tâm đến lĩnh vực ôtô điện nhất. Tập đoàn này đặt mục tiêu ngừng bán hoàn toàn các loại xe dùng động cơ đốt trong từ năm 2040.
Ngay từ đầu, Honda muốn hợp tác với Sony để phát triển cảm biến và phần mềm lái tự động. Hãng này muốn tạo ra sự khác biệt cho các mẫu xe điện sắp ra mắt, đồng thời tăng giá trị cho ngành xe hơi đang có biên lợi nhuận thấp.
Theo Bloomberg, Mibe dành nhiều năm thuyết phục ban lãnh đạo Sony đồng ý hợp tác. Khi ông trở thành CEO Honda vào cuối năm ngoái, kế hoạch thành lập liên doanh xe điện giữa Sony và Honda dần thành hình sau hàng loạt cuộc họp giữa 2 công ty.
Đầu tháng 6 năm nay, Honda thông báo ký thỏa thuận liên doanh cho một công ty có tên "Sony Honda Mobility Inc", tập trung vào sản xuất xe điện và dịch vụ di chuyển. Công ty này lên kế hoạch bán xe điện và hoạt động tiện ích từ năm 2025.
Trong khi Honda và Sony vẫn đàm phán về các chi tiết trong hợp đồng, cả 2 đặt mục tiêu thành lập liên doanh trong năm nay. 2 công ty mang tính biểu tượng cho sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh đã hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn.
Mục đích của Sony
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 4, Mibe cho rằng Sony và Honda đến từ các "ngành công nghiệp hoàn toàn khác nhau, với văn hóa và giá trị cốt lõi khác nhau". Dù vậy, vị CEO 60 tuổi cho rằng cả 2 có thể hợp tác thành công trong lĩnh vực xe điện.
Theo Bloomberg, có nhiều lý do khiến Mibe muốn hợp tác với Sony. Một trong số đó đến từ Tesla, hãng xe điện nổi bật với phần mềm tự lái, có thể cập nhật qua mạng Internet.
Sony đưa ra tầm nhìn về chiếc xe được kết nối dịch vụ đám mây, trang bị cảm biến do công ty phát triển để đạt khả năng tự lái cấp độ 4. Ở mức này, xe hơi không cần sự tương tác của con người trong hầu hết trường hợp. Điều đó giúp hành khách thoải mái thư giãn, giải trí với những thiết bị điện tử của Sony.
Đối với Sony, hợp tác cùng Honda giúp hãng nhanh chóng tiếp cận chuỗi cung ứng, quy trình sản xuất và phân phối. Các hãng xe nói chung cần tuân thủ tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt, chịu trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời sản phẩm.
Olaf Sakkers, đồng sáng lập công ty đầu tư RedBlue Capital cho rằng mối hợp tác giữa công ty công nghệ với hãng xe có thể gặp khó khăn, song đó là "mô hình cần thiết" để bắt kịp xu hướng phát triển nhanh chóng của xe hơi.
"Liên minh Sony và Honda cho thấy các công ty cần nhận ra năng lực cốt lõi của họ là gì, cũng như cần tìm công nghệ và đối tác ở đâu", Sakkers cho biết.
Khó khăn chung của các liên doanh
Với các hãng công nghệ, tìm đối tác cùng làm xe điện không phải điều dễ dàng. Apple đã đàm phán với Hyundai Motor và Ferrari nhưng không có kết quả tích cực. Theo Bloomberg, lý do đến từ sự cảnh giác của các hãng xe trước thị trường có thể ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh hiện tại.
Theo nhà phân tích Tatsuo Yoshida của Bloomberg Intelligence, sự khác biệt trong cách vận hành, bao gồm tốc độ phát triển tương đối chậm của ngành xe hơi cũng có thể ảnh hưởng đến lợi ích hợp tác của các hãng công nghệ. Cho đến nay, hầu hết mối quan hệ giữa hãng xe và công ty công nghệ đều tránh theo kiểu 50-50 như liên doanh Sony - Honda.
Trong khi Sony tham gia nhiều lĩnh vực từ game, âm nhạc đến phim ảnh, Yoshida cho rằng số phận của Honda phụ thuộc lớn vào xe điện. Điều đó đồng nghĩa hãng xe này sẽ chịu tổn thất lớn nếu liên doanh sớm tan rã sau khi ra mắt xe đầu tiên vào năm 2025.
Dù có những lý do riêng để hợp tác cùng nhau, Sony và Honda đều hướng đến một mục đích, đó là nắm bắt xu hướng. Trong cuộc họp chung vào tháng 3, CEO Sony còn nhắc lại mối quan hệ thân thiết giữa nhà sáng lập 2 công ty, đó là Soichiro Honda và Masaru Ibuka.
Cả 2 gặp nhau vào những năm 1950, khi Honda ghé thăm trụ sở Sony. Tại đây, ông hỏi Ibuka rằng bóng bán dẫn của radio có thể dùng để bật/tắt động cơ xe hơi hay không. Đó là suy nghĩ khá mới mẻ vào thời điểm đó. Cùng chung ý tưởng về những điều mới giúp Ibuka và Honda hợp tác cùng nhau trong suốt nhiều năm.