Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1 đạt 142.544 tấn, trị giá 310,4 triệu USD, giảm 38,4% về lượng và 38,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Còn so với tháng 2/2022, tháng có cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm nay tăng 2% về lượng và giảm 3,6% về trị giá.
Do trùng với kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm, chiếm 43,6% tổng khối lượng xuất khẩu với 62.132 tấn, trị giá 135 triệu USD.
Ngoài EU, các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu khác có thể kể đến như Mỹ đạt 10.901 tấn, Nga 10.087 tấn…
Trong tháng 1/2023, giá cà phê xuất khẩu của nước ta tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống còn bình quân 2.178 USD/tấn, thấp hơn 2,5% so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, tại thị trường trong nước giá cà phê lại ghi nhận sự phục hồi mạnh trở lại. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 1/2023, giá cà phê Robusta trong nước tăng mạnh theo giá thế giới. Ngày 28/01/2023, giá cà phê Robusta tăng từ 3.000 - 3.100 đồng/kg so với ngày 30/12/2022. Tại tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk, giá cà phê Robusta cùng tăng 3.100 đồng/kg, lên mức 42.200 - 42.800 đồng/kg; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông, giá cà phê Robusta cùng tăng 3.000 đồng/kg, lên mức 42.800 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã liên tục tăng kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và chạm ngưỡng cao nhất 4 tháng vào ngày 8/2, với mức giá dao động trong khoảng 43.900 - 44.400 đồng/kg.
Sau đó, giá điều chỉnh xuống còn 43.400 - 43.900 đồng/kg vào ngày 10/2, nhưng vẫn cao hơn 3.500 - 3.700 đồng/kg so với mức giá 39.700 - 40.300 đồng/kg đạt được vào đầu tháng 1 năm nay.
Những thông tin tích cực về triển vọng kinh tế thế giới và lượng bán ra giảm tại các nước xuất khẩu lớn được cho là những yếu tố chính đẩy giá cà phê trong nước và thế giới tăng trở lại trong thời gian gần đây.