Ngày 16 tháng 6 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1183/QĐ-BCT về việc tổ chức “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022.
Chương trình được thực hiện để kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam; quảng bá sản phẩm, văn hóa vùng miền và thu hút du lịch. Tạo tiền đề cho việc tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất với cơ quan chức năng có thẩm quyền để có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động khuyến mại trong thời gian diễn ra Chương trình.
Tham gia Chương trình, các doanh nghiệp, thương nhân trên toàn quốc sẽ chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại đa dạng, hấp dẫn với hạn mức tối đa giá trị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại và mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại lên đến 100% (theo quy định tại khoản 4, Điều 6, và Khoản 2, Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ).
Để triển khai Kế hoạch, Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện Chương trình; thực hiện các hoạt động phát động, truyền thông cho Chương trình; phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan để thực hiện.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan, đơn vị quan triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa và các hoạt động trong khuôn khổ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan phát động tổ chức các sự kiện, hoạt động khuyến mại trên môi trường trực tuyến. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng phản ánh về hoạt động khuyến mại vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thời gian diễn ra Chương trình để kịp thời xử lý theo quy định.
Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và giám sát các chương trình khuyến mại có dấu hiệu vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định.
Các hiệp hội, ngành hàng có liên quan phối hợp với Bộ Công Thương thông tin, khuyến khích hội viên và các doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động xây dựng kế hoạch tại địa phương đảm bảo mục đích, thời gian thực hiện Chương trình. Sử dụng logo của Chương trình trong các hoạt động truyền thông, quảng bá chung. Chủ động thông tin, hướng dẫn thương nhân tham gia các hoạt động và Chương trình tại địa phương. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận tiện cho thương nhân thực hiện thủ tục hành chính và thực hiện hoạt động khuyến mại tại địa phương; hướng dẫn thương nhân thực hiện thủ tục hành chính thông báo khuyến mại trên cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn).
Đồng thời phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, xử lý hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi vi phạm về khuyến mại tại địa phương, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Thương nhân, tổ chức và cá nhân có liên quan chủ động tổ chức các hoạt động khuyến mại, phối hợp, tham gia các hoạt động của Chương trình đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.