Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu các cầu các sở ngành và địa phương phối hợp với các chủ đầu tư tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện các dự án.
Những ‘nút thắt”
Theo số liệu từ Sở Công Thương Thanh Hóa, toàn tỉnh đã thành lập được 44 cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 1.643 ha. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư lũy kế vào các cụm công nghiệp đạt gần 1.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thanh Hóa hiện mới có 5 cụm công nghiệp cơ bản hoàn thành hạ tầng cụm công nghiệp theo giai đoạn, đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất. Trong đó, có 5 cụm công nghiệp đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật; 7 cụm công nghiệp đang hoàn thành các thủ tục đầu tư, đang giải phóng mặt bằng để thuê đất với Nhà nước; 13 cụm công nghiệp đang hoàn thành thủ tục đầu tư, chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa; 4 cụm công nghiệp chủ đầu tư chưa tích cực triển khai thực hiện dự án, một số dự án chậm tiến độ cần phải xem xét thu hồi dự án; còn lại là các cụm công nghiệp mới thành lập.
Nhiều cụm công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa đang chậm so với kế hoạch và lộ trình phát triển, bởi gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp, như giá thuê đất cao ảnh hưởng tới thu hút nhà đầu tư thứ cấp, kế hoạch sử dụng đất có muộn nên chưa hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chuyển đổi đất lúa. Một số cụm công nghiệp xin bổ sung ngành nghề để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp...
Trên địa bàn huyện Triệu Sơn hiện có 5 cụm công nghiệp đã được tích hợp vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gồm: cụm công nghiệp Đồng Thắng, cụm công nghiệp Nưa, cụm công nghiệp Hợp Thắng, cụm công nghiệp liên xã Dân Lý - Dân Lực - Dân Quyền và cụm công nghiệp Đồng Thắng II.
Hiện có cụm công nghiệp Đồng Thắng đã cơ bản được lấp đầy; cụm công nghiệp Nưa đã thu hút được Dự án Nhà máy Sản xuất bê tông thương phẩm, bê tông Asphalt, gạch không nung của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Bắc Nam với diện tích 3,3 ha. Có 2 cụm công nghiệp là cụm công nghiệp liên xã Dân Lý - Dân Lực - Dân Quyền và cụm công nghiệp Hợp Thắng đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện tiến độ thực hiện đầu tư của 2 cụm công nghiệp này đang được đánh giá chậm, do các dự án chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa làm cơ sở thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp. Còn lại, cụm công nghiệp Đồng Thắng II chưa đủ điều kiện thành lập.
Trao đổi với VnEconomy, ông Bùi Huy Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn, cho biết trước những khó khăn đối với việc thực hiện các tiến độ các cụm nghiệp trên địa bàn, phía huyện đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và các quy định của Nhà nước, của tỉnh để tập trung thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức vận động, xúc tiến đầu tư theo địa bàn, lĩnh vực và đối tác cụ thể. Đồng thời, huyện đã và đang phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh đấu mối các doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát, đầu tư vào địa bàn, nhất là các cụm công nghiệp."Chúng tôi cũng tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, giải quyết dứt điểm và kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi”, lãnh đạo huyện Triệu Sơn thông tin.
Tại huyện Vĩnh Lộc, có cụm công nghiệp Vĩnh Minh đang được Công ty TNHH BNB Hà Nội đầu tư hạ tầng giai đoạn 1, với diện tích 12,7 ha, đạt khoảng 30% kế hoạch. Hiện cụm công nghiệp này đang giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng giai đoạn 2. Tuy nhiên, hiện còn một số diện tích chưa giải phóng mặt bằng được do hộ dân chưa đồng thuận về giá bồi thường. Công ty TNHH BNB Hà Nội kiến nghị UBND huyện Vĩnh Lộc quan tâm hoàn thành diện tích giải phóng mặt bằng.
Ngoài cụm công nghiệp Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc còn có cụm công nghiệp Vĩnh Hòa đã được Công ty CP Hạ tầng Việt Nga làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Hiện, cụm công nghiệp này đã hoàn thành thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, do cụm công nghiệp phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết do phải đưa các dự án sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp trước khi thành lập ra ngoài cụm công nghiệp, nên tiến độ đầu tư vào cụm công nghiệp đang bị ảnh hưởng.
Tăng cường hỗ trợ chủ đầu tư thu hút dự án thứ cấp
Trên cơ sở đánh giá, phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào các cụm công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường... để thu hút dự án đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp. Cùng với đó, sở cũng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp vào thuê đất, đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp.
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư cần tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện thủ tục đầu tư thực hiện dự án và tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; ký cam kết giữa chủ đầu tư với UBND cấp huyện về tiến độ bố trí vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng, lãm rõ trách nhiệm của mỗi bên nếu không thực hiện cam kết; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND cấp huyện chỉ đạo ban giải phóng mặt bằng huyện hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng diện tích cụm công nghiệp; hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình lập hồ sơ thuê đất với nhà nước; hỗ trợ các chủ đầu tư trong đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp khi có yêu cầu, tăng cường hỗ trợ các chủ đầu tư thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Công Thương làm đầu mối theo dõi tiến độ của từng cụm công nghiệp đã được thành lập. Trong đó lập biểu chi tiết từng nội dung công việc yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành (kể từ ngày thành lập đến khi nghiệm thu, đủ điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp) để đưa cụm công nghiệp đi vào hoạt động, trên cơ sở đó, hàng quý tổ chức đánh giá trách nhiệm của từng chủ đầu tư, UBND cấp huyện, các sở, ngành có liên quan trong công tác phối hợp thực hiện dự án. Sở Công Thương sẽ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, có ý kiến chỉ đạo, sẽ xem xét, chấm dứt hiệu lực đối với các cụm công nghiệp chậm tiến độ mà nguyên nhân cơ bản do chủ đầu tư không đủ năng năng lực hoặc không tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp như: cụm công nghiệp Phúc thịnh, huyện Ngọc Lặc; cụm công nghiệp Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy...
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao các sở, ban, ngành tăng cường hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm; Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thuê đất còn lại của chủ đầu tư cụm công nghiệp tham mưu, giải quyết thủ tục thuê đất trình UBND tỉnh; Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục đấu nối giao thông khi có yêu cầu.
Đối với cụm công nghiệp chưa được thành lập, UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý, xử lý các vi phạm của các dự án sản xuất về môi trường và sử dụng đất theo đúng quy định; huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các cụm công nghiệp cơ bản đã lấp đầy và chủ động giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng hoặc Ban quản lý dự án cấp huyện quản lý.
Rà soát loại hiện trạng, quy hoạch để báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra khỏi quy hoạch những cụm công nghiệp không đủ điều kiện để thành lập chuyển thành khu sản xuất kinh doanh để thu hút đầu tư. Giao các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện công tác quản lý cụm công nghiệp theo quy định.