Tỉnh Thanh Hóa vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư thi công nâng cấp Quốc lộ 15A khảo sát mức độ ảnh hưởng do lu rung, gây rạn nứt nhà và các công trình xây dựng để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, đề nghị làm hai đoạn đường tránh trên Quốc lộ 217, đoạn qua thị trấn Cành Nàng và đoạn qua xã Điền Lư, để giảm lưu lượng tham gia giao thông và tránh ngập cho hai đoạn đường này.
Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng vì quá trình thi công
Trả lời kiến nghị tỉnh Thanh Hoá, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa, dự án này gồm 2 tiểu dự án, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi.
Trong đó, tiểu dự án 2 (đoạn tránh ngập thủy điện Hồi Xuân) với tổng chiều dài chính tuyến là 23,5km, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cấp quyết định đầu tư và là chủ đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 7/2020.
Tiểu dự án 3 (nâng cấp đoạn Km53 - Km109) qua tỉnh Thanh Hóa dài 53,3km với tổng mức đầu tư 1.051 tỷ đồng cũng được Bộ Giao thông vận tải ưu tiên triển khai. Dự án do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa quản lý thực hiện.
Tại Thanh Hóa, tuyến đường đi qua địa phận các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa.
Trong đó, đoạn Km72+950 - Km75+650 đi trùng với Quốc lộ 217 được đầu tư tại dự án nâng cấp mạng lưới giao thông Khu vực tiểu vùng sông Mekong (GMS) phía Bắc lần 2 (Quốc lộ 217), vay vốn ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á).
Về công tác thi công xây lắp, dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư từ tháng 8/2008, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư vào tháng 3/2016 nhưng đến tháng 5/2020 mới bố trí được nguồn vốn để triển khai thi công xây lắp.
Đến nay, đoạn Km56+100 - Km59+579 và đoạn Km75+650 - Km109 cơ bản hoàn thành; còn các đoạn Km53 - Km56+100, Km59+579 - Km72+950 và Km85+650 - Km85+850 dài khoảng 200m, qua đèo Sáp Ong đang được triển khai thi công để hoàn thành theo kế hoạch.
"Theo kết quả giám định và biên bản xác nhận tổn thất, toàn dự án có 457 hộ dân bị ảnh hưởng. Ban Quản lý dự án dự kiến sẽ tổ chức chi trả bồi thường, hỗ trợ tổn thất cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quý 1 năm 2023", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
"Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án, trong quá trình thi công đoạn tuyến từ Km53 - Km98+750, việc sử dụng lu rung khi thi công công trình làm ảnh hưởng đến một số nhà ở của dân dọc hai bên tuyến", Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Trên cơ sở đơn đề nghị xác định tổn thất của các hộ dân bị ảnh hưởng, chủ đầu tư chỉ đạo Ban Quản lý dự án, nhà thầu bảo hiểm công trình và đơn vị giám định tổn thất kiểm tra, giám định và lập biên bản xác nhận tổn thất để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng.
Theo kết quả giám định và biên bản xác nhận tổn thất, toàn dự án có 457 hộ dân bị ảnh hưởng, gồm: 170 hộ thuộc huyện Lang Chánh, 198 hộ thuộc huyện Bá Thước và 89 hộ thuộc huyện Quan Hóa.
Nhà thầu bảo hiểm công trình cơ bản hoàn thiện hồ sơ và thông báo tạm ứng kinh phí cho Ban Quản lý dự án để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Chưa cân đối được nguồn lực đầu tư tuyến tránh quốc lộ 217
Về kiến nghị làm hai tuyến đường tránh trên Quốc lộ 217 đoạn qua thị trấn Cành Nàng và đoạn qua xã Điền Lư, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quốc lộ 217 từ đường ven biển Nga Sơn đến cửa khẩu Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa dài 210km, quy mô là đường cấp III đến cấp IV, từ 2-4 làn xe.
Hiện nay, đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Na Mèo được đầu tư với quy mô đường cấp III miền núi, 02 làn xe; đoạn từ ven biển Nga Sơn đến đường Hồ Chí Minh, hiện trạng đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đến cấp V.
Dự án nâng cấp mạng lưới giao thông GMS phía Bắc lần 2 (Quốc lộ 217) vay vốn ADB được Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư có chiều dài là 44,575 km (Km59+900 - Km104+475,75) với quy mô đường cấp III miền núi được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2020.
Trong quá trình nghiên cứu dự án, qua so sánh với phương án xây dựng tuyến tránh thì phương án thảm tăng cường trên tuyến hiện hữu là phương án tối ưu, do kinh phí xây dựng thấp nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2037 nên tư vấn thiết kế lựa chọn phương án thảm tăng cường trên tuyến hiện hữu.
Hiện nay, do nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải còn hạn hẹp nên Bộ Giao thông vận tải chưa cân đối được nguồn vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện đầu tư hai tuyến tránh trên Quốc lộ 217, đoạn qua thị trấn Cành Nàng và đoạn qua xã Điền Lư theo kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa.
Bộ Giao thông vận tải ghi nhận kiến nghị của cử tri, sẽ nghiên cứu đầu tư vào thời điểm thích hợp khi nhu cầu vận tải trên tuyến tăng cao và cân đối được nguồn vốn.
Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải cân đối khoảng 14.893 tỷ đồng để thực hiện một loạt dự án.
Cụ thể, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ ưu tiên triển khai đường bộ cao tốc các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Dự kiến dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ về đích năm 2023; Diễn Châu - Bãi Vọt hoàn thành năm 2024.