Sau một tháng khẩn trương lấy ý kiến, Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT ngày 22/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Thông tư số 02) được dư luận và chủ phương tiện phấn khởi đón nhận.
Thông tư số 02 quy định xe cơ giới chưa qua sử dụng sẽ miễn kiểm định lần đầu, đồng thời giãn chu kỳ kiểm định một số loại xe, từ đó giảm thời gian, công sức và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đây được xem giải pháp căn cơ đầu tiên giải quyết khủng hoảng đăng kiểm thời gian qua, khiến hơn 70 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa và gần 500 người bị khởi tố điều tra về 7 tội danh. Thông tư cũng quy định rõ hơn các hạng mục hư hỏng, khiếm khuyết không quan trọng, quan trọng, nguy hiểm của phương tiện.
Bước đầu giải quyết 'nút thắt'
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2022 số lượng ôtô mới đưa vào lưu hành tại Việt Nam khoảng 455.000 xe và ước tính năm 2023 sẽ có khoảng 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu và gần 3,1 triệu xe được giãn chu kỳ kiểm định.
Tính toán mức giá dịch vụ kiểm định hiện dao động từ 250 - 570 nghìn đồng/xe, việc miễn kiểm định lần đầu sẽ tiết kiệm cho người dân gần 130 tỷ đồng, chưa kể các chủ phương tiện sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian khi đưa xe đi đăng kiểm.
Nhận xét về quy định mới này, anh Phạm Duy Tân (Hà Nội) chia sẻ một chiếc xe mới phải trải qua nhiều công đoạn kiểm tra gắt gao, đánh giá mức độ an toàn trước khi bán ra thị trường. Hơn nữa, thời gian đầu tới tay người dùng, các hãng xe cũng có chế độ bảo hành nên phần lớn xe này đều đạt chất lượng, do đó, bắt buộc đăng kiểm xe mới rất lãng phí.
Bên cạnh đó, trước đây phí đăng kiểm ôtô khách hàng phải trả khi hoàn thiện hồ sơ là 250.000 đồng/lần/xe với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi, do đó, khi miễn đăng kiểm lần đầu, người dân tiết kiệm được khoản phí này.
Cùng với việc miễn đăng kiểm lần đầu cho ô tô mới, trong thông tư mới ban hành, Bộ Giao thông vận tải còn quy định kéo dài chu kỳ đăng kiểm cho nhóm ôtô đến 9 chỗ ngồi không đăng ký kinh doanh vận tải trong thời gian đầu xe còn sử dụng tốt, phần nào giảm chi phí cho người dùng.
Tuy nhiên, các chủ xe đều mong mỏi cơ quan chức năng cho phép xe quá hạn đăng kiểm có thể lưu hành trong vòng 1-2 tháng nhằm giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm và tránh việc người dân phải xếp hàng mấy ngày mới đến lượt, đồng thời xem xét điều chỉnh thêm về việc độ xe bởi có những thứ rất cần thay thế để đảm bảo an toàn cho người điều khiển.
Với nhiều điểm mới tích cực tại Thông tư 02, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cũng cho rằng đây là đột phá lớn trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và quan trọng nhất là “cởi trói” cho công tác đăng kiểm.
“Xe gia đình, xe cá nhân chiếm lượng rất lớn cùng 3 triệu xe được “cởi trói” khi kéo dài thời gian đăng kiểm sẽ giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm và xóa đi sự căng thẳng, bức xúc của người dân khi phải xếp hàng nhiều ngày như thời gian qua”, ông Thanh nhìn nhận.
Đồng thời, quy định này còn nâng cao trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm và trách nhiệm của người dân về việc đảm bảo chất lượng phương tiện trong khoảng thời gian được kéo dài so với quy định cũ.
Với các đơn vị kinh doanh vận tải, dù còn những băn khoăn do không được giãn chu kỳ đăng kiểm như các loại phương tiện khác nhưng theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp vận tải cũng phấn khởi vì không chịu thêm thiệt hại do phải chờ đợi đăng ký đăng kiểm phương tiện kéo dài.
Tại tọa đàm “Quy định mới về đăng kiểm xe cơ giới” tổ chức mới đây, về phía nhà sản xuất xe ôtô, ông Đào Công Quyết, Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), đánh giá cao quy định miễn đăng kiểm lần đầu vì hỗ trợ rất hiệu quả về thời gian cũng như chi phí cho các chủ xe. Ông Quyết cho biết “đây là điều chủ phương tiện, hệ thống đại lý, nhà phân phối và các nhà sản xuất của VAMA mong đợi từ lâu”.
Lập lại kỷ cương công tác đăng kiểm
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc ban hành Thông tư 02 mới giải quyết bước đầu những bức xúc của dư luận và tạm tháo gỡ áp lực cho các cơ quan đăng kiểm. Điều cần làm tiếp theo là thiết kế lại quy trình, ngăn mặt trái từ việc xã hội hóa trung tâm đăng kiểm và hướng đến mục tiêu lập lại trật tự, kỷ cương công tác đăng kiểm, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, thời gian tới, cơ quan quản lý cần xây dựng văn bản pháp luật theo hướng giao trách nhiệm quản lý chất lượng cho các chủ phương tiện, không chỉ giao nhiệm vụ này cho cơ quan đăng kiểm. Bên cạnh đó, “cần xử lý triệt để và gióng lên hồi chuông để người dân ý thức hơn, không tiếp tay cho tham nhũng vặt; đồng thời ngăn những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng khe hở đăng kiểm đưa những phương tiện kém chất lượng tham gia lưu thông, gây ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông”, ông Thanh nhấn mạnh.
Cơ quan đăng kiểm cũng phải đổi mới cơ chế hoạt động, đổi mới đội ngũ cán bộ, công chức, thay đổi thiết bị phương tiện, không để con người can thiệp quá nhiều vào quy trình đăng kiểm.
Tới đây, dư luận sẽ tiếp tục dồn sự chú ý vào nghị định mới thay thế Nghị định 139/2018 /NĐ-CP ngày 8/10/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới...