Tối 18/1 (27 Tết), Kiều Anh (23 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP.HCM) lên xe về quê đón Tết, nhưng số quà cho gia đình mà cô đặt trên sàn thương mại điện tử chưa được giao tới.
“Trước khi đặt đơn, mình đã cân nhắc ngày dự kiến mà nhà bán ấn định rồi mới bấm thanh toán. Tuy nhiên, dịp này đơn hàng quá tải nên việc giao dễ bị trễ. Ngày cuối cùng ở thành phố, mình rất nóng ruột, chỉ mong có cuộc điện thoại của shipper nhưng chẳng thấy đâu”, Kiều Anh kể với Zing.
Cô gái 23 tuổi tâm sự đi làm cả năm, vui nhất là ngày nhận lương và thưởng Tết để mua chút quà tặng ba mẹ, nên rất hụt hẫng khi không mang được quà về.
Kiều Anh dự định nhờ gửi đồ ở bảo vệ tòa nhà. Ra Tết, lên lại thành phố, cô sẽ gửi chúng về quê. “Nhưng chắc chắn sẽ không thể mang lại niềm vui bất ngờ cho gia đình như mình mong muốn”, cô nói.
Không chỉ riêng Kiều Anh, nhiều người đặt đơn hàng trong những tuần cuối trước Tết đều trong tình trạng thấp thỏm chờ giao. Không ít người đành chấp nhận hủy đơn, dù đó là món hàng cần thiết, vì xác định sẽ không sử dụng tới khi nhận hàng sau kỳ nghỉ lễ.
Không thể nhận hàng, chấp nhận hủy đơn
Ngày 29 và 30/12 âm lịch, phần lớn đơn vị vận chuyển sẽ nghỉ, nên để nhận được hàng trước Tết, người mua phải tính toán, cân nhắc rất kỹ.
Trên trang web của sàn thương mại Shopee thông báo lịch nghỉ Tết của các đối tác vận chuyển: Viettel Post, Vietnam Post nhanh, Vietnam Post tiết kiệm, Best Express và Ahamove nghỉ từ 29/12 âm lịch; các đơn vị còn lại như Shopee Express, Giao hàng nhanh, J&T Express… nghỉ từ ngày 30 Tết; Grab Express hoạt động xuyên lễ.
Thông báo tương tự cũng được đưa ra trên trang web của Lazada. Ngoài Grab giao nhanh 2 giờ và Ahamove giao nhanh 2 giờ, các đối tác vận chuyển còn lại nghỉ lễ từ ngày 29 và 30 Tết.
Bên cạnh món quà cho gia đình trị giá gần 2 triệu đồng, đa số đơn quần áo Kiều Anh đặt để về quê diện trong dịp Tết cũng không giao kịp trước ngày cô rời thành phố.
Cô giải thích thời điểm cuối năm, phải chạy deadline bận rộn nên không có thời gian đi mua quần áo. Một phần khác, rất sợ cảnh chen chúc, đông nghẹt ở các phố thời trang những ngày này nên cô quyết định đặt qua shop online.
“Mua trên sàn thương mại, mình không biết hối thúc ai để giao nhanh hơn. Shop đã chuyển hàng đi, mình chỉ có thể chờ bên vận chuyển điều phối, họ cũng không thể ưu tiên cho mình”.
Cũng giống Kiều Anh, Nguyễn Phương (27 tuổi, làm việc tại TP.HCM) chọn đặt hàng online vì không có thời gian sắm sửa trước khi nghỉ lễ. Trước khi về Nghệ An ăn Tết, cô đặt một số quần áo mặc mùa đông trên sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, Phương rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” vì hàng giao muộn hơn dự kiến một ngày. Sáng 9/1, cô lên máy bay thì 11h trưa, khi cô đã ở Nghệ An, shipper ở TP.HCM mới gọi giao bộ quần áo ấm.
Cô đành nhờ hàng xóm nhận giúp, nhưng xác định phải một năm nữa mới dùng đến.
Trước đó, Phương đã hủy đơn một chiếc áo khoác ấm khác tới 2 lần.
Lần thứ nhất, cô đặt đơn giao ở địa chỉ tại TP.HCM, sau khi người bán nói rằng có thể giao kịp trước khi cô rời thành phố. Cô cũng đã đặt sớm nửa tháng, vì xác định sát Tết sẽ quá tải.
Tuy nhiên, cách lịch về một ngày, vẫn chưa thấy shop chuyển đơn đi, cô bấm hủy để đặt lại, giao về địa chỉ ở quê.
Tới khi về nhà khoảng một tuần, Phương vẫn không thấy đơn hàng được nhà bán giao cho bên vận chuyển. Không còn kiên nhẫn để chờ đợi, cô quyết định hủy đơn lần thứ hai.
“Vì lo ngại quá tải giao hàng, nên mình ngừng đặt đơn trước Tết 2 tuần. Tuy nhiên, vì ở quê mình thường giao chậm hơn rất nhiều so với thành phố lớn, thậm chí trễ hơn dự kiến, nên có khá nhiều lo lắng”, Phương nói.
Xu hướng sắm Tết online
Sau hai năm dịch bệnh, xu hướng mua sắm online đã tăng mạnh ở Việt Nam, đặc biệt vào các dịp giảm giá và Tết Nguyên đán.
Theo nghiên cứu từ Visa, người tiêu dùng Việt Nam gia tăng mua sắm trực tuyến và sử dụng các nền tảng mạng xã hội nhằm thích nghi với những rào cản từ đại dịch.
87% số người tiêu dùng Việt được khảo sát hiện sử dụng dịch vụ này, 82% người dân trải nghiệm dịch vụ lần đầu từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Cứ 10 đơn hàng thì gần 6 đơn được giao đến nhà, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước đại dịch.
Từ năm 2022, nghiên cứu của SYNC Đông Nam Á về thương mại điện tử (do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện) đã cho thấy sức mua tăng cao vào dịp cuối năm, khi các sàn thương mại triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi, lễ hội mua sắm.
Cách Tết Nguyên đán 2-3 ngày, Ánh Ngọc (27 tuổi, Hà Nội) đã sửa soạn xong các món đồ mới phục vụ Tết, từ cho bản thân đến của gia đình.
Phần lớn trong số chúng đều là mua online. “Năm nay, 2 cái Tết sát gần nhau và lịch làm việc chính thức đến 28 Tết, mình xác định trước khó có nhiều thời gian đi sắm sửa trực tiếp ở cửa hàng vì công việc bận rộn”, Ngọc cho hay.
Song, viễn cảnh chen chân đi mua sắm, chờ xếp hàng dài để thử đồ, thanh toán mới là điều làm cô thấy ái ngại nhất, nhất là ở những shop thời trang có tiếng, đông người mua.
“Chưa kể, sát Tết, đường phố tắc liên tục, các món hàng lại hết nhanh nên mình không muốn tốn công đi lại mà không mua được gì”.
Trong khi đó, việc mở app và mua sắm qua vài thao tác giúp Ngọc cập nhật được số lượng hàng, tiết kiệm thời gian và công sức hiệu quả, mà khách hàng vẫn nhận được quyền lợi tương tự. Từ đầu tháng 1, nhiều sàn thương mại điện tử liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi cùng mức giảm sâu.
“Nhiều món được bán với giá rất hời. Nếu chịu khó thu thập, áp dụng thêm mã giảm giá, con số phải trả có khi chỉ bằng một nửa so với giá gốc”, cô nói.
“Bây giờ, các shop hầu như đều bán đến sát ngày 30 Tết và ship hoả tốc vận chuyển liên tục. Giá cao hơn nhưng vẫn trong khả năng chi trả được”, Ngọc nói thêm.
Song, vẫn có một số món đồ cô chọn đích thân đi mua để đảm bảo có hàng ưng ý, ví dụ giỏ quà tết.
“Sản phẩm đắt tiền, cộng với mình sợ tình trạng dễ va đập trong quá trình vận chuyển và tránh cảnh người bán cố tình trà trộn hàng kém chất lượng so với quảng cáo”, cô giải thích.
Còn với Điệp Chi (25 tuổi, Hà Nội), dù mua online thuận tiện và nhanh chóng với vài thao tác, việc mua sắm vẫn có một vài bất lợi.
Thời gian vận chuyển kéo dài là thứ dễ khiến cô sốt ruột nhất.
Thông thường, khi thanh toán giỏ hàng, ứng dụng cũng sẽ hiện ngày giao hàng dự kiến. Một số món ship từ các tỉnh xa, không kịp có trước Tết, cuối cùng Chi chấp nhận để qua năm mới mua sau vì “chưa cần thiết lắm”.
Sắm Tết muộn hơn mọi năm, Chi cho biết cô không mua nhiều quần áo, đồ trang điểm mới. Một phần vì số tiền thưởng Tết năm nay bị cắt giảm, phần còn lại do cô không ưng các sản phẩm được giảm giá.
Bên cạnh đó, dịp cuối năm, nhiều shop rất dễ gặp tình trạng quá tải tin nhắn từ những người mua hàng online như cô, dẫn đến việc liên lạc khó khăn. “Có shop, mình chờ cả ngày không thấy trả lời tin nhắn, đến khi họ nhắn lại thì là thông báo hết hàng”, Chi kể.