Chính quyền Biden phát động chiến dịch gây áp lực toàn diện nhằm ngăn cản các đồng minh Trung Đông cắt giảm sản lượng dầu, theo nhiều nguồn thạo tin. Nhưng nỗ lực đó dường như đã thất bại, sau cuộc họp quan trọng vào hôm 5/10 của OPEC+.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác đã thông báo cắt giảm đáng kể sản lượng nhằm tăng giá dầu. Điều đó có thể sẽ kéo theo giá xăng ở Mỹ tăng vào thời điểm bấp bênh đối với chính quyền Biden, khi chỉ còn 5 tuần nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, theo CNN.
Trong cuộc họp chính sách diễn ra tại Vienna (Áo), các bộ trưởng Năng lượng thuộc OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nguồn cung dầu toàn cầu, bắt đầu từ tháng 11, New York Times đưa tin.
Các bộ trưởng cho biết việc cắt giảm là cần thiết "trong bối cảnh không chắc chắn về triển vọng kinh tế và thị trường dầu mỏ toàn cầu".
Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden đã chia sẻ lo ngại với CNN về việc cắt giảm, điều mà ông cho là “không cần thiết”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các phóng viên khi được hỏi về động thái này rằng: “Chúng tôi đã bày tỏ rõ quan điểm của mình với các nước thành viên OPEC”.
Trước đó, trong nhiều ngày, các quan chức chính sách năng lượng, kinh tế và đối ngoại cấp cao của Tổng thống Biden đã tranh thủ vận động những quốc gia đồng minh ở Trung Đông, bao gồm Kuwait, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), để bỏ phiếu chống cắt giảm sản lượng dầu.
Tuy nhiên, quyết định hạn chế sản lượng dầu của OPEC là một tín hiệu cho thấy ảnh hưởng của Tổng thống Biden đối với các đồng minh vùng Vịnh đã giảm đi rất nhiều so với những gì ông mong đợi.
Thách thức mới của chính quyền Biden
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần qua tại phiên giao dịch ngày 5/10 khi OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng ở mức sâu nhất kể từ đại dịch Covid-19.
Trước đó, theo tài liệu mà Nhà Trắng gửi Bộ Tài chính Mỹ vào hôm 3/10, viễn cảnh cắt giảm sản lượng là một “thảm họa toàn diện” và cảnh báo đây có thể bị coi là một “hành động thù địch”.
“Chính quyền Mỹ đang nhận thức vấn đề theo hướng nghiêm trọng", một quan chức cho biết.
Một quan chức khác nói rằng Nhà Trắng đang “mất bình tĩnh và hoảng sợ”, đồng thời mô tả nỗ lực mới nhất của chính quyền là “sẵn sàng hành động một cách không khoan nhượng”.
“Chúng tôi đã nói rõ rằng cần tiếp tục đáp ứng nhu cầu về năng lượng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giảm giá nhiên liệu cho người tiêu dùng trên khắp thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các đối tác của mình về điều đó”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cho biết.
Trong khi đó, Guardian đưa tin Washington coi quyết định của OPEC+ là động thái tiêu cực đối với ông Biden.
Tuyên bố từ Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Brian Deese cho biết tổng thống thất vọng vì quyết định này của OPEC+, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tác động từ chiến sự Ukraine.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman trong buổi họp báo sau cuộc họp bộ trưởng OPEC+ tại Vienna vào ngày 5/10. Ảnh: AFP.
Đối với ông Biden, việc cắt giảm đáng kể sản lượng dầu không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn. Trong nhiều tháng qua, chính quyền Mỹ đã tích cực thúc đẩy các chính sách đối nội và đối ngoại nhằm giảm giá năng lượng, vốn tăng cao sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Công việc đó dường như đã được đền đáp, với giá xăng ở Mỹ giảm trong gần 100 ngày liên tiếp.
Nhưng khi chỉ còn hơn một tháng nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng, giá xăng tại Mỹ lại bắt đầu tăng trở lại, gây ra rủi ro chính trị mà Nhà Trắng luôn cố gắng tránh.
Nỗ lực ngăn chặn
Amos Hochstein, đặc phái viên năng lượng hàng đầu của Tổng thống Biden, đã đi đầu trong nỗ lực vận động ngừng việc cắt giảm sản lượng dầu.
Ông Hochstein, cùng với quan chức an ninh hàng đầu Brett McGurk và đặc phái viên tại Yemen Tim Lenderking, đã đến Jeddah vào cuối tháng trước để thảo luận về một loạt vấn đề an ninh và năng lượng, sau chuyến thăm cấp cao của tổng thống Mỹ tới Saudi Arabia vào tháng 7.
Các quan chức trong nhóm kinh tế và chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ cũng tham gia vào việc liên hệ với những chính phủ trong khối OPEC nhằm ngăn chặn việc cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, Nhà Trắng đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đích thân thuyết phục một số bộ trưởng của các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm Kuwait và UAE. Mỹ lập luận rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ gây tổn hại rất lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
Nước này cho biết về lâu dài, việc cắt giảm sản lượng dầu sẽ chỉ làm gia tăng áp lực giảm giá - điều ngược lại với mục tiêu mà OPEC+ mong muốn. Theo đó, “cắt giảm ngay bây giờ sẽ làm tăng rủi ro lạm phát”, dẫn đến lãi suất cao hơn và cuối cùng là nguy cơ suy thoái lớn hơn.
“Nếu thúc đẩy (việc cắt giảm), động thái này sẽ gây ra rủi ro chính trị lớn đối với danh tiếng và ảnh hưởng đến mối quan hệ với Mỹ cùng phương Tây”, theo lập luận mà Nhà Trắng đề nghị bà Yellen trao đổi với những người đồng cấp nước ngoài.
Một quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận rằng chính quyền đã vận động liên minh do Saudi dẫn đầu trong nhiều tuần để cố gắng thuyết phục họ không cắt giảm sản lượng dầu.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau vào tháng 7. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng hôm 5/10 diễn ra chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng thống Joe Biden đến Saudi Arabia và gặp Thái tử Mohammed bin Salman, trong chuyến đi nhằm thuyết phục nước lãnh đạo thực tế của OPEC tăng sản xuất để giúp giảm giá xăng dầu.
Vài tuần sau đó, khi OPEC+ đồng ý tăng sản lượng ở mức khiêm tốn 100.000 thùng, các nhà phê bình nhận định chính quyền Biden đã gặt hái được rất ít thành quả.
Nguyên nhân khiến OPEC+ giảm sản lượng
Quyết định giảm đáng kể sản lượng được cho là nhằm đảo chiều xu hướng giá dầu thô lao dốc, vốn đã giảm mạnh xuống dưới 90 USD/thùng trong vài tháng gần đây.
Một nguyên nhân khác khiến OPEC+ quyết tâm cắt giảm sản lượng là Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt mới đối với Moscow, bao gồm áp giá trần đối với dầu Nga bán cho các nước thứ ba.
Nhiều thành viên OPEC+, không chỉ Nga, đã bày tỏ sự không hài lòng với viễn cảnh áp đặt giá trần vì nó có thể mở ra tiền lệ người tiêu dùng, thay vì thị trường, chi phối giá dầu.
Trước tình trạng trên, trong các cuộc thảo luận của Nhà Trắng với Bộ Tài chính, một đề xuất đã được đưa ra.
Theo đó, nếu OPEC+ quyết định đảo ngược động thái cắt giảm dầu trong tuần này, Mỹ sẽ thông báo mua lại lên tới 200 triệu thùng để lấp đầy kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR).
Quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền nước này đã nói rõ với OPEC+ trong nhiều tháng rằng Mỹ sẵn sàng mua dầu của OPEC để bổ sung SPR.
Người này nói thêm ý tưởng đó nhằm truyền tải thông điệp tới OPEC+ rằng Mỹ “sẽ không bỏ rơi họ khi họ gặp nguy”, nếu họ vẫn tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Do đó, giá sẽ không giảm kể cả khi nhu cầu toàn cầu giảm.