Hãng Reuter mới đây đưa tin, Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán MWG) đã thuê cố vấn để tư vấn về việc bán 20% cổ phần của chuỗi Bách Hoa Xanh. Nguồn tin quen thuộc nói rằng Thế giới Di động định giá Bách Hóa Xanh giá trị hơn 1,5 tỷ USD.
"Chúng tôi đã chọn một cố vấn và đang làm việc cùng nhau để chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho thương vụ", một phát ngôn viên của MWG nói với Reuters qua email.
Thỏa thuận dự kiến sẽ hoàn tất vào quý đầu tiên của năm 2023, người phát ngôn của MWG cho biết và từ chối bình luận về việc định giá với lý do bảo mật.
Một trong những nguồn tin nói với Reuters rằng vụ mua bán này có khả năng thu hút sự quan tâm từ các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế cũng như các nhà đầu tư tài chính.
Thế giới Di động do doanh nhân Việt Nam Nguyễn Đức Tài đồng sáng lập và dẫn đầu, công ty này gia nhập vào danh sách các công ty và quỹ đang cố gắng bán một phần hoặc toàn bộ các khoản đầu tư tiêu dùng và kinh doanh của họ ở Đông Nam Á khi nền kinh tế khu vực phục hồi từ những hạn chế COVID-19.
Công ty cổ phần tư nhân CVC Capital Partner đang đàm phán để rút khỏi nhà sản xuất đồ ăn nhẹ hàng đầu Indonesia GarudaFood Putra Putri Jaya, trong khi Công ty Phát triển Nhà hàng đang thăm dò việc bán mảng kinh doanh nhượng quyền KFC của mình ở Thái Lan, Reuters đưa tin.
Công ty Đầu tư Thế giới Di động vốn hóa thị trường đạt 4,2 tỷ USD, đang cải tiến và tự động hóa các hoạt động phụ trợ của Bách Hóa Xanh để cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận.
Báo cáo vừa công bố cho thấy, doanh thu thuần tháng 7 của MWG đạt 11.000 tỷ đồng tăng 16% so với cùng kỳ, lũy kế 7 tháng năm 2022 đạt 81,7 nghìn tỷ, tăng 14%. Trong đó, riêng Thế giới di động và Điện máy xanh đạt 65,3 nghìn tỷ đồng tăng 21% so với 7 tháng năm 2021. Tính đến cuối tháng 7, công ty có 1.070 cửa hàng chuỗi Thế giới Di động bao gồm 50 Topzone và 2.185 cửa hàng chuỗi Điện Máy Xanh bao gồm 972 Điện Máy Xanh Supermini.
Với chuỗi Bách Hóa Xanh, doanh thu tháng 7/2022 đạt 2,35 ngàn tỷ giảm mạnh 45% so với mức đỉnh cao nhất vào tháng 7/2021 nhưng vẫn tiếp tục đà tăng trưởng dương qua từng tháng kể từ tháng 3/2022 đến nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, Bách Hóa Xanh đạt doanh thu 15,2 ngàn tỷ giảm 14% so với cùng kỳ.
Bách Hóa Xanh hiện đã đóng tổng cộng khoảng 400 cửa hàng so với số đầu năm và hoàn tất việc thay đổi layout mới cho gần như toàn bộ các cửa hàng hiện hữu. Tính đến cuối tháng 7, Công ty chỉ còn 1.735 cửa hàng Bách Hóa Xanh, doanh thu bình quân 1 cửa hàng đạt khoảng 1,3 tỷ đồng.
Trước đó, vào thời điểm 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt khoảng 1,4 tỷ đồng. Tức là doanh thu của Bách Hóa Xanh ngày càng sụt giảm. Điều này cũng dễ hiểu bởi trong suốt năm 2021 đại dịch Covid-19 hoành hành, phong tỏa xã hội đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm tiêu dùng online giúp Bách Hóa Xanh thu đậm dù vẫn lỗ kể từ khi hoạt động vào năm 2020.
Tuy nhiên, khi hoạt động xã hội trở lại bình thường, nhu cầu mua sắm online đã giảm thì việc Bách Hóa Xanh buộc phải co lại về cơ cấu hoạt động lẫn doanh thu, lợi nhuận là điều dễ hiểu. Có điều, sự việc dường như nằm ngoài kiểm soát, tính toán của Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Do đó, việc bán đi Bách Hóa Xanh có thể là bài toán thích hợp nhất với doanh nhân Nguyễn Đức Tài vào lúc này khi mà lạm phát tăng cao, chi tiêu tiêu dùng toàn cầu ngày càng thắt chặt.
Thời điểm 30/06/2022, tổng tài sản của MWG giảm 7,3%, còn 48,1 nghìn tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho giảm 913 tỷ đồng so với đầu năm, còn hơn 28,7 nghìn tỷ đồng. Về nguồn vốn, nợ ngắn hạn giảm 13,6%, còn 36,8 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận giảm ở khoản mục phải trả người bán ngắn hạn và các khoản vay ngắn hạn.