Hoàng Trung (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thiết kế, đồ họa. Vài tháng trước, anh nhận được lời mời làm việc từ một công ty bất động sản. Mức lương hậu hĩnh, cao hơn 10 triệu đồng so với thu nhập cũ khiến anh hào hứng tham gia phỏng vấn.
Tuy nhiên, anh bắt đầu băn khoăn khi người quản lý thông báo về quy định trang phục của công ty. Theo đó, chiếc áo thun cổ tròn, quần jean xanh, giày thể thao và nón lưỡi trai như anh đang mặc được cho là chưa phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.
Buổi trao đổi không đạt kết quả như kỳ vọng. Hoàng Trung mong muốn tìm một môi trường thoải mái hơn, cho phép mình ăn mặc theo ý thích.
“Có lẽ đặc thù công việc làm sáng tạo, tôi không thích bị gò bó trong một khuôn mẫu nhất định như thế. Áo thun, sơ mi màu sắc hay quần jean cũng lịch sự đó chứ?", anh nói với Zing.
Thích đi làm với áo thun, quần short
Nhiều công ty yêu cầu nhân viên mặc đồng phục hoặc trang phục công sở lịch sự với vest, sơ mi, quần tây hoặc chân váy. Một vài doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sáng tạo lại cho phép nhân sự thoải mái hơn trong cách lựa chọn quần áo đi làm.
Thông thường, các quy định, tiêu chí về thời trang công sở đều sẽ được trao đổi trực tiếp trong quá trình phỏng vấn. Nhiều người trẻ chấp nhận thay đổi phong cách cá nhân để phù hợp với công việc, song một số khác cảm thấy không thoải mái.
Như Quỳnh Ngân (23 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội), cô từng gửi hồ sơ đến một công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ bất động sản. Với tấm bằng tại đại học nước ngoài cùng màn thể hiện khá tốt trong buổi phỏng vấn, cô nhanh chóng được mời vào vòng trao đổi tiếp theo cùng cấp quản lý.
Tại đây, cô được thông báo nhân sự của công ty không có đồng phục, nhưng phải duy trì mặc vest, blazer, sơ mi, quần tây tông màu trung tính xuyên suốt các ngày làm việc. Ngoài ra, một số quy định khác như đeo bảng tên, thẻ nhân viên cũng được áp dụng với tất cả.
Quỳnh Ngân đành từ chối công việc bởi cảm thấy không thoải mái khi mặc đồ công sở mỗi ngày.
"Tôi hiểu mỗi công ty có văn hóa và chính sách khác nhau đối với việc ăn mặc, doanh nghiệp bất động sản có lẽ còn chặt chẽ hơn. Nhưng tôi lại mong muốn được phối đồ tự do, giúp tự tin và có cảm hứng hơn cho công việc", cô bày tỏ.
Phương An (25 tuổi, TP.HCM) cũng đề cao việc được mặc đồ tự do khi đi làm. Cô biết mình không thích gò bó với những chiếc áo sơ mi, váy ôm công sở nên chủ động tìm đến các công ty trẻ, năng động và không liên quan đến các ngành nghề đặc thù, đòi hỏi ăn mặc theo quy chuẩn.
"Tôi thích thể hiện mình qua thời trang. Việc được mặc quần áo thoải mái khi đi làm cũng khiến tâm lý tôi thoải mái hơn", cô nói.
Được lựa chọn trang phục theo sở thích, nhưng Phương An cho rằng môi trường công sở cũng có những quy tắc riêng, mọi nhân sự đều phải biết mà không cần ai nhắc nhở.
Ví dụ, cô không lựa chọn những món đồ quá trễ ngực khi đi làm. Những ngày có cuộc họp cùng sếp lớn, gặp khách hàng… cô chọn cho mình những trang phục nhã nhặn như áo sơ mi, váy dài.
"Điều này thể hiện sự chừng mực. Văn phòng vốn dĩ không phải quán cà phê, không phải ai cũng thích làm việc với đối tác mặc áo croptop", cô tâm sự.
Còn những ngày khác trong tuần, cô thoải mái hơn với quần jean, áo thun dáng ngắn. Có lúc cô mang giày thể thao, thỉnh thoảng cũng đổi sang giày cao gót khi cần thiết.
Chấp nhận vì một phần của công việc
Cách đây vài năm, Mạnh Cường (24 tuổi, quận 7, TP.HCM) từng làm việc tại một agency quảng cáo. Khi đó, anh đi làm mỗi ngày với áo thun, quần short, giày thể thao, thậm chí cả đồ ngủ.
"Mỗi ngày, tôi và đồng nghiệp như trình diễn fashion show (trình diễn thời trang)", anh cười, kể lại với Zing.
Hiện tại, anh chuyển sang làm việc tại một công ty về ôtô. Văn hóa doanh nghiệp yêu cầu anh phải thay đổi phong cách anh mặc. Thời gian qua, anh quen với hình ảnh mình xuất hiện trong sơ mi và quần tây.
"Ở văn phòng của tôi, nam giới cần mặc sơ mi trắng, quần tối màu và giày tây, nữ giới thêm chân váy đen. Chúng tôi mặc đồng phục từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Chán lắm, nhưng tôi coi đó là một phần của công việc".
Ngoài ra, để đáp ứng quy định trang phục từ công ty, Mạnh Cường cũng phải bỏ ra một số tiền để mua quần áo mới.
Anh hiện có 4 chiếc áo sơ mi trắng, 3 quần tây đen và 2 đôi giày để thay đổi trong suốt 6 ngày làm việc.
"Tôi yêu thích công việc này nên chấp nhận thay đổi", anh bày tỏ.
Tương tự, Kim Hà (27 tuổi, quận 7, TP.HCM) cũng luôn mặc đồng phục khi làm việc tại công ty.
Trước đây, cô từng là nhân viên ngân hàng, quen thuộc với bộ đồng phục như bao đồng nghiệp. Đến nay, cô dần thích nghi với thời trang công sở gồm áo sơ mi trắng, vest đen và chân váy, không mấy thích thú với những bộ đồ tự do chốn văn phòng.
"Tôi nghĩ sự đồng bộ trong một môi trường làm việc giúp mọi người đỡ soi mói và khắt khe hơn. Tại đây sếp, nhân viên, thực tập, thử việc… tất cả đều như nhau", cô nhận định.
Kim Hà đánh giá việc thể hiện phong cách cá nhân không nhất thiết phải diễn ra tại chốn công sở. Mọi người hoàn toàn có thể thể hiện gu thẩm mỹ, thời trang bằng những buổi đi chơi, hẹn hò.
Quản lý khó xử
Môi trường công sở đang thay đổi nhiều hơn bao giờ hết để phù hợp với cá tính và nguyện vọng của nhân sự trẻ tuổi.
Gen Z và Millennials đang là lực lượng lao động áp đảo tại các văn phòng, họ yêu thích thể hiện quan điểm và bản sắc riêng biệt. Trong đó, thời trang được xem là một tuyên ngôn rõ ràng, dễ nhận thấy nhất.
Chính điều này khiến nhóm quản lý phải tìm cách chiều lòng và không tránh khỏi một số tình huống khó xử.
Anh Đức (27 tuổi, TP.HCM) là quản lý bộ phận sáng tạo tại công ty quảng cáo. Nhóm của anh đa phần là nhân sự nữ, mỗi thành viên lại có cá tính khác nhau.
"Đặc thù công việc cho phép chúng tôi thoải mái mặc đồ theo sở thích cá nhân. Mỗi người là một màu sắc và ai cũng tôn trọng điều đó. Tuy nhiên, chính bởi sự dễ dàng này mà phát sinh sự cố", anh nói.
Theo đó, Anh Đức nhiều lần gặp nhân viên của mình đi làm với chiếc áo hai dây ngắn, hở bụng để khoe khuyên rốn và hình xăm. Việc này khiến một số bộ phận khác bàn tán, ban quản trị nhân sự cũng phải gửi email nhắc nhở chung.
"Tôi quả thực không muốn can thiệp quá sâu vào những vấn đề này, tuy nhiên cũng vài lần phải nhắc nhở riêng nhân viên của mình về việc ăn mặc. Theo tôi, các công ty giờ đây không còn quá khắt khe về việc trang phục nữa, nhưng các bạn vẫn cần biết chừng mực và thế nào là phù hợp", anh cho biết.
Anh Thư, chủ 2 cửa hàng cà phê tại TP.HCM, cho biết mình đang điều hành 20 nhân viên. Quán có trang bị tạp dề cho nhân sự, cô vẫn phải đưa ra thêm nhiều yêu cầu khác về trang phục.
Cô biết điều này có thể khiến các bạn trẻ cảm thấy không thoải mái, nhưng là yếu tố giúp việc phục vụ khách hàng chỉn chu, lịch sự hơn.
"Các bạn sẽ mặc sơ mi trắng, quần jean xanh, được mang giày thể thao, nhưng không mặc quần short, quên tạp dề và bảng tên", cô nói.
Anh Thư cho rằng việc nhân viên mình mặc đồng phục sẽ giúp khách hàng nhận diện thương hiệu được tốt hơn. Việc mặc đồng phục còn giúp nhân viên cửa hàng có thể phân biệt rõ đâu là lúc làm và đâu là giờ nghỉ ngơi.
Tuy vậy, Anh Thư cũng hiểu tâm lý các bạn trẻ Gen Z khi phải mặc đồng phục xuyên suốt 7 ngày làm việc. Do đó, thứ bảy là ngày họ có thể mặc đồ tự do.
"Ngày hôm đó, các bạn có thể mặc áo thun cổ tròn nhưng không mặc áo hai dây, khoét ngực đối với nữ và áo ba lỗ, quần jean rách đối với nam. Tôi cũng từng là người trẻ, hiểu rằng các bạn yêu thích việc thể hiện mình ra sao trong bộ trang phục của mình", cô nói thêm.