Theo CNN, First Republic Bank - một ngân hàng khác của Mỹ - đang chật vật tìm cách tồn tại.
Đầu tuần này, First Republic Bank cho biết tổng tiền gửi của ngân hàng đã sụt giảm 41% trong quý I. Làn sóng bán tháo đẩy giá cổ phiếu của ngân hàng này xuống mức thấp kỷ lục.
Trong phiên giao dịch ngày 25 và 26/4, mã này giảm lần lượt 49% và 30%. Cổ phiếu của First Republic cũng bị tạm dừng giao dịch nhiều lần trong 2 phiên vừa qua.
3 lựa chọn khả thi
First Republic cho biết đang tìm cách "củng cố các hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu bảng cân đối kế toán".
Nói với CNN, ông David Chiaverini - Giám đốc điều hành tại Wedbush Securities - cho rằng First Republic còn 3 lựa chọn khả thi.
Một là tiếp tục con đường đang đi "với tư cách một công ty độc lập", đợi các khoản vay và chứng khoán đến hạn. "Đó sẽ là một quá trình dài, nhưng họ vẫn còn thanh khoản để tiếp tục", ông Chiaverini nói thêm.
Trong cuộc họp hôm 24/4, ông Michael Roffler - CEO First Republic - đã nhấn mạnh với các cổ đông rằng ngân hàng "có đủ thanh khoản". Theo vị lãnh đạo, tiền mặt của nhà băng này gấp đôi số tiền gửi không được bảo hiểm.
Lựa chọn thứ 2 là bán các khoản vay và chứng khoán cho những ngân hàng hoặc quỹ lớn bằng giá gốc. Đổi lại, bên mua sẽ nhận được lợi ích từ các cổ phần ưu đãi của First Republic.
Nhưng theo ông Chiaverini, đó là những tài sản khá khó bán. Bởi chúng có thể được bán với giá cao hơn nhiều thị giá.
Đối với những người đang nắm giữ cổ phiếu của First Republic, họ bám víu vào hy vọng rằng các gói cứu trợ của những nhà băng lớn sẽ mang lại chút gì đó cho các cổ đông.
Ông Don Bilson tại Gordon Haskett
Dù vậy, các ngân hàng lớn có lý do để mua vào. Nếu First Republic sụp đổ, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) sẽ tìm cách ngăn chặn rủi ro hệ thống, cung cấp bảo hiểm tiền gửi cho mọi khách hàng, ngay cả những khoản tiết kiệm không được bảo hiểm.
Điều này sẽ tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ. Và chính các ngân hàng lớn sẽ phải gánh chịu phần lớn chi phí.
Tháng trước, gói cứu trợ do JPMorgan Chase dẫn đầu lên tới 30 tỷ USD. Hồi đầu tháng 3, ngân hàng này cũng gia hạn hạn mức tín dụng 70 tỷ USD cho First Republic.
Như vậy, các ngân hàng lớn sẽ vẫn phải trả một vài tỷ USD, chỉ khác là trả ngay bây giờ hay sau này. Quyết định của họ sẽ phụ thuộc vào việc phân tích mức độ ảnh hưởng của mỗi lựa chọn.
"Đối với những người đang nắm giữ cổ phiếu của First Republic, họ bám víu vào hy vọng rằng các gói cứu trợ của những nhà băng lớn sẽ mang lại chút gì đó cho các cổ đông", ông Don Bilson tại Gordon Haskett nhận định.
Mới đây, Bloomberg đưa tin First Republic tìm cách bán tới 100 tỷ USD khoản vay và chứng khoán để cân bằng sổ sách. Một số nguồn tin khác cho biết ngân hàng này đang tìm đến sự giúp đỡ của một nhà băng lớn.
Kịch bản xấu nhất
Theo ông Chiaverini, kịch bản đáng lo ngại nhất là First Republic bị giới chức Mỹ tiếp quản, như những gì mà Silicon Valley Bank (SVB) đã gặp phải hồi giữa tháng 3.
Trong kịch bản đó, cơ quan quản lý và chính phủ sẽ nắm quyền kiểm soát ngân hàng và toàn bộ tài sản. Điều này có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới khách hàng, cổ đông, nhân viên ngân hàng và hệ thống tài chính nói chung.
Đáng nói, những người nắm giữ cổ phần và cổ phần ưu tiên có thể trắng tay. Trở lại với trường hợp của SVB, mọi khách hàng đều được trả lại tiền gửi, nhưng các cổ đông đã mất tất cả.
Trong khi đó, FDIC đang cân nhắc hạ xếp hạng tín nhiệm của First Republic. Điều này sẽ ngăn nhà băng này sử dụng chương trình cho vay qua đêm của Fed, và chương trình cho vay khẩn cấp được công bố sau sự sụp đổ của SVB.
Theo ông Joe Brusuelas - nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn RSM US, nhiều khả năng các quan chức Fed đang lo ngại rằng tài sản đảm bảo của First Republic không còn đủ chất lượng để đi vay.
Fed có thể gây áp lực để buộc ngân hàng này lên "một kế hoạch đóng cửa có trật tự", hoặc thúc đẩy thỏa thuận giữa First Republic với một quỹ cung cấp vốn tư nhân tiềm năng.