Thị phần vẫn còn rất nhỏ bé
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường sản phẩm nông sản hữu cơ toàn cầu chỉ đạt 18 tỷ USD vào năm 2000. Doanh thu đã vượt mốc 100 USD vào năm 2018. Thị trường đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021, và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Bắc Mỹ và Châu Âu chiếm hầu hết doanh số bán hàng, với 90% thị phần. Tuy nhiên, hầu hết tăng trưởng đến từ các khu vực khác, đặc biệt là châu Á. Thị trường sản phẩm hữu cơ đang trở nên quan trọng ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...
Riêng với Việt Nam, hiện sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới với kim ngạch 335 triệu USD/năm. Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn 17.000 đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu…Tuy nhiên những con số này vẫn còn khiêm tốn.
Chia sẻ tại Diễn đàn 'Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến' diễn ra ngày 28/9, ông Phạm Minh Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, trước khi Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ ra đời, có hai thời kỳ nhỏ. Cụ thể, giai đoạn năm 2000 - 2010, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn âm thầm làm sản phẩm hữu cơ cho doanh nghiệp châu Âu. Thực chất đây là các doanh nghiệp mua hàng về đóng gói. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực sự làm chủ. Cũng trong giai đoạn này, một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay TH bắt đầu chuyển một phần sản phẩm sang làm hữu cơ. Tuy nhiên, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn nhỏ, khó xâm nhập thị trường EU. “Uy tín, danh tiếng sản phẩm hữu cơ xuất xứ từ Việt Nam ở thị trường thế giới đã đi lên được một chút. Từ 2018 đến 2022, có 164 doanh nghiệp với 200 sản phẩm đang có chứng nhận USDA của Hoa Kỳ", ông Phạm Minh Đức chia sẻ.
Tại Australia doanh số bán lẻ nông sản hữu cơ đã tăng lên hơn 2,5 tỷ đô la (AUD)/năm. Thị trường về hữu cơ của Australia tăng trên 5% mỗi năm và đặc biệt có những năm tăng trên 10%. Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm hữu cơ vào Australia đang khá khiêm tốn.
Nói về cơ hội cho nông sản hữu cơ chế biến vào thị trường Australia, TS. Nguyễn Văn Kiền - Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics - chia sẻ, gạo là mặt hàng có cơ hội tốt nhất nhờ nhu cầu gạo hữu cơ vượt xa nguồn cung. Các mặt hàng cá, tôm, các loại thảo mộc và gia vị khô như húng quế, quế... sẽ có triển vọng phát triển tốt tại thị trường này. Các sản phẩm trái cây, rau quả chế biến hưởng lợi thế quy định thuận lợi, trong khi các mặt hàng như hạt điều, macca vào thị trường này cần được xử lý cacbon dioxide. Hai mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam gồm cà phê và hồ tiêu tại thị trường này sẽ gặp nhiều khó khăn do thừa nguồn cung.
“Hiện tại qua quan sát tại các kênh siêu thị, nhà hàng, các cửa hàng bán buôn cho thấy hàng hữu cơ có nguồn gốc từ Việt Nam đang dần thâm nhập vào thị trường Australia. Đó là những tín hiệu tốt để tiếp tục giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đến người tiêu dùng Australia”, TS. Nguyễn Văn Kiền chia sẻ.
Thách thức còn ở phía trước
Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện nay, nông sản hữu cơ của Việt Nam xuất khẩu đến được nhiều nhất là thị trường EU.
Theo thống kê chính thức của EU, doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường EU đạt 45 tỷ Eur. Đức là thị trường lớn nhất ở EU và lớn thứ hai thế giới với 11,97 tỷ Eur doanh thu bán lẻ. Thị trường hữu cơ EU ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,0%. Mức tăng trưởng cao nhất được quan sát thấy ở Pháp (13,4%).
Người tiêu dùng châu Âu ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm hữu cơ. Tính theo đầu người, chi tiêu của người tiêu dùng cho thực phẩm hữu cơ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Từ đó có thể thấy, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ vẫn còn rất rộng mở.
Thị trường thực phẩm hữu cơ toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 227,19 tỷ USD vào năm 2021 lên 259,06 tỷ USD vào năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 14,0%. Thị trường dự kiến sẽ tăng lên 437,36 tỷ USD vào năm 2026 cùng với với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 14,0%.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, doanh số bán sản phẩm hữu cơ đang tăng mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Tuy nhiên, có những thách thức ở phía trước.
Cụ thể, thay đổi hành vi tiêu dùng, trong đó, thị trường thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật đang phát triển theo cấp số nhân. Một nghiên cứu của Boston Consulting Group và Blue Horizon Corporation dự báo thị trường thực phẩm thay thế cho thịt, trứng, sữa và hải sản sẽ đạt 290 tỷ USD vào năm 2035.
Nhu cầu của người tiêu dùng đối với thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật bắt nguồn từ các yếu tố tương tự như thực phẩm hữu cơ, tức là mối quan tâm về sức khỏe, môi trường và đạo đức. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu về thực phẩm hữu cơ có nguồn gốc động vật. Lối sống thuần chay cũng làm giảm nhu cầu về thực phẩm hữu có nguồn gốc động vật.
Mặt khác, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hữu cơ đang tăng mạnh và vượt quá nguồn cung. Việc thiếu hụt nguồn cung sản phẩm hữu cơ sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá thành tăng cao. Cũng có thể sẽ dẫn đến các vụ gian lận, theo đó các loại thực phẩm thông thường sẽ được dán nhãn giả hữu cơ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Hồng Quân - Phó Chủ tịch HĐQT Vinamit – chia sẻ, các yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn hữu cơ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và EU là một thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam. Các mẫu đất, mẫu nước, mẫu phân bón hữu cơ và tất cả những đầu vào của nông nghiệp hữu cơ đều được tổ chức đánh giá kiểm tra một cách gắt gao với những phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế ở Đức, Hoa Kỳ mà có khi giới hạn cho phép là không phát hiện với ngưỡng phát hiện tính bằng một phần tỷ (ppb).
Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tiêu dùng, sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm sạch, hữu cơ và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đây là sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, giá trị định vị thương hiệu. Hợp lực để ngành hàng đi xa hơn và ở quy mô lớn hơn trong câu chuyện về thị trường. Việc này đòi hỏi sự vào cuộc từ nhiều phía. Trong đó, điều quan trọng là truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa, số hóa sản phẩm hữu cơ.