Tại diễn đàn "Phát triển bền vững thị trường bất động sản" diễn ra sáng ngày 15/12, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định: “Thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian qua đã phát triển nhanh, tác động nhiều ngành nghề và có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thị trường này gần đây có một số dấu hiệu phát triển không ổn định, có nguy cơ dẫn đến bong bóng, thể hiện ở một số khía cạnh".
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập của thị trường gồm: Nguồn cung gặp khó; cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa phù hợp với nhu cầu với thị trường; lượng giao dịch bất động sản thời gian qua suy giảm mạnh nhưng giá nhà vẫn ở mức cao, chủ yếu phân khúc nhà ở thương mại, cao cấp; nhiều dự án gặp khó khăn phải dừng thi công; doanh nghiệp gặp khó về nguồn vốn...
Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hầu hết các sản phẩm tồn kho của thị trường bất động sản hiện nay đều nằm ở phân khúc cao cấp, các sản phẩm này không có tính chất thanh khoản cao bởi không phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng hiện nay.
“Thay vì những căn hộ có giá khoảng 6-7 tỷ đồng, nếu chúng ta có những sản phẩm tầm khoảng 2-3 tỷ đồng thì chắc chắn, chỉ trong một ngày mở bán, các sản phẩm này gần như sẽ không còn. Thực tế hiện nay, bởi nhu cầu của thị trường của người dân rất cao và người dân đang chuẩn bị sẵn những nguồn lực để mua nhà, cùng với đó, rất nhiều các nhà đầu tư cũng vậy, họ vẫn trực chờ để tìm những sản phẩm có giá trị sản phẩm thích hợp có hiệu quả để có thể đưa tiền thị trường…”, ông Đính chia sẻ.
Theo ông Đính, chúng ta có thể nhìn vào bài học trước đó từ gói 30.000 tỷ đồng, tại thời điểm đó con số 30.000 tỷ đồng so với thị trường là không thấm vào đâu, tuy nhiên, chính sách này đã kích cầu rất nhiều dự án được chuyển đổi từ phân khúc cao cấp sang nhà ở xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
“Chính sách không tác động trực tiếp về mặt thanh khoản, nhưng đã đem lại những hướng đi mới của thị trường, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng và nhu cầu thực tế”, ông Đính cho hay.
Cũng theo ông Đính, vừa qua trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đã sử dụng rất những từ rất mạnh như: khẩn trương, làm ngay,… đây là tính quyết liệt tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và đem đến những điểm sáng cho thị trường.
Chúng ta đã giải qua cuộc khủng hoảng 2013 - 2016 từ những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ Chính phủ, vì vậy, đối với giai đoạn hiện nay, tinh thần quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cần phải được lan tỏa đến các bộ ngành, địa phương cùng quyết liệt vào cuộc mới có thể khơi thông được “điểm nghẽn” của thị trường hiện nay.
Thực tế thị trường hiện nay, theo tính toán còn khoảng 1.000 dự án trên cả nước đang gặp điểm nghẽn về pháp lý mà chưa thể đưa vào thị trường được, tổng số giá trị của 1000 dự án tương đương khoảng 700.000 tỷ.
“Số tồn đọng này, nếu không được khơi thông sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và ngược lại nếu có thể nhanh chóng khơi thông được sẽ cùng một lúc giải quyết không chỉ cho thị trường bất động sản mà còn thúc đẩy nhiều ngành sản xuất, kinh doanh khác cùng tăng trưởng. Hy vọng những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa qua sẽ tạo ra sự lan tỏa như bài học về gói 30.000 tỷ giai đoạn khủng hoảng 2013 - 2016”, ông Đính kỳ vọng.