Áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.260 – 1.265 điểm
Trước đó, phiên giao dịch ngày 10/8, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có biến động giằng co vào cuối phiên với thanh khoản giảm, đặc biệt là cổ phiếu dẫn dắt trong nhóm chứng khoán và ngân hàng. Chỉ số VN-Index kết phiên giảm 2.4 điểm (-0,2%) so với phiên ngày trước đó.
Theo đó, áp lực bán từ nhóm thép, ngân hàng, chứng khoán, sau đó lan tỏa sang các ngành khác. Tuy nhiên, dòng tiền đã có sự phân hóa khi tìm đến các cổ phiếu như xây dựng, bất động sản khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại về việc tăng giá của nhóm cổ phiếu bất động sản chủ yếu là mang yếu tố đầu cơ nhiều hơn.
Công ty chứng khoán Asean cho rằng sự khó khăn trong việc thiết lập đà tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy áp lực chốt lời ở những cổ phiếu đã tăng mạnh. Dự báo trong phiên giao dịch ngày 11/8, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.260 – 1.265 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.250 – 1.255 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.240 – 1.245 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Đồng quan điểm trên, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định, áp lực điều chỉnh có thể tiếp diễn trong phiên tới khi ngày càng nhiều cổ phiếu đang theo chiều hướng này. Theo đó, đích tới của đợt hồi phục với kỳ vọng của chỉ số VN-Index tiến lên vùng 1.315 điểm nhưng số lượng cổ phiếu đã đạt tới điểm tới hạn đang tăng dần.
Hạn chế mua mới, hạ dần tỷ trọng
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, phiên giao dịch ngày 10/8 thì chỉ số VN-Index diễn biến giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen về cuối phiên. Mặc dù khả năng mở rộng thêm nhịp điều chỉnh ngắn hạn vẫn đang để ngỏ, nhưng cơ hội hồi phục sau đó của chỉ số VN-Index tại vùng hỗ trợ gần 1240 vẫn được đánh giá cao. “Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các vị thế đã mở và có thể hạ dần tỷ trọng ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng cản”, KBSV nhận định.
Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, "chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng trong chiều hướng mua ở thời điểm hiện tại và tiếp tục chiều hướng căn chốt, hạ dần tỷ trọng từng phần một khi chỉ số VN-Index tiến vào mốc kháng cự mạnh (1.262 – 1.280) điểm. Nếu xung lực đủ mạnh, kèm thanh khoản cao, khả năng chỉ số VN-Index sẽ vượt ngưỡng kháng cự, lúc đó chúng ta chờ điểm test lại để mở vị thế mua mới”.
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) có nhận định lạc quan hơn, thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 1.229 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, điểm tích cực là khối lượng giao dịch sụt giảm cho thấy áp lực bán không quá lớn và có thể nhịp điều chỉnh sẽ chưa thể dẫn đến dấu hiệu tiêu cực trong ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng và tiến gần vùng lạc quan quá mức cho nên các nhà đầu tư cần thận trọng trong các hành động mua mới.
Mặc dù xu hướng của thị trường vẫn ở mức tăng nhưng các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và hạn chế mua mới ở giai đoạn hiện tại, ưu tiên quan sát và chờ mua ở các nhịp điều chỉnh tới.