Thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong nửa đầu năm, song những nỗ lực trong việc điều tiết chính sách, đặc biệt là lãi suất điều hành phần nào ghi nhận kết quả. Sau 6 tháng, VN-Index tăng gần 12% so với thời điểm cuối năm trước.
Tháng 7 hàng năm là khoảng thời gian các doanh nghiệp trên sàn bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 2 và bán niên, đây là nguồn thông tin quan trọng có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.
Nhìn lại thống kê lịch sử giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 7 cho thấy, trong 23 năm vận hành, VN-Index có 11 năm tăng điểm và 12 năm giảm điểm. Thực tế, chỉ số chính có xác suất tăng điểm khá cao với 7/10 năm gần nhất khởi sắc, đặc biệt là chuỗi 5 năm tăng liên tiếp trong tháng 7 từ 2013 - 2017. Gần nhất, trong năm 2022, chỉ số đã ngược dòng tăng trở lại sau 2 năm giảm sâu 2020-2021.
Điều nhà đầu tư quan tâm nhất lúc này là sau 2 tháng hồi phục liên tiếp giúp VN-Index chạm mốc cao nhất trong vòng 9 tháng, đà tăng sẽ còn tiếp diễn?
Cần nhìn nhận rằng, việc dòng tiền có xu hướng trở lại và luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu lớn được cho là động lực mạnh lúc đẩy chỉ số VN-Index tăng tốt trong tháng 6. Chỉ số chính đang gặp khó trong việc tiếp tục gia tăng về điểm số khi vừa vượt thành công nhiều mức cản để tiến lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Minh chứng là áp lực chốt lời đã xuất hiện vào những phiên giao dịch cuối tháng.
Việc thị trường tăng mạnh thời gian qua đẩy định giá thị trường cũng không còn quá hấp dẫn với P/E của VN-Index hiện đã trên 13,x lần, cao hơn đáng kể so với thời điểm xuống đáy giữa tháng 11 năm ngoái.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng với nền so sánh cao cùng kỳ năm ngoái, các nhóm ngành quan trọng như ngân hàng, bất động sản, thép, chứng khoán, bán lẻ,… nhiều khả năng vẫn sẽ khó tăng trưởng dương trong quý 2 dù lợi nhuận có thể cải thiện so với quý đầu năm.
Thêm vào đó, những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế chưa thực sự rõ ràng, một số chỉ tiêu còn suy yếu. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội, GDP quý 2/2023 của Việt Nam ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Đồng thời, chỉ số PMI tháng 6 tiếp tục ở mức thấp với 46,2 cho thấy hoạt động sản xuất có dấu hiệu thu hẹp.
Động lực tăng điểm vẫn còn?
Lãi suất giảm là yếu tố được kỳ vọng hỗ trợ thị trường chứng khoán. Dù vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý động thái từ FED.
Theo nhận đinh của bà Nguyễn Phương Mai - Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường Chứng khoán Vietinbank (CTS), mặc dù thông tin NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành là một tin tốt với thị trường trong thời gian qua, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần đặc biệt chú ý đến thông tin FED có thể sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong thời gian còn lại của năm 2023, cũng như các doanh nghiệp chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh quý 2 sắp tới.
Về cơ hội đầu tư trong mùa báo cáo quý 2, vị chuyên gia cho rằng dòng tiền sẽ phân hoá khá mạnh mẽ do giá cổ phiếu của những doanh nghiệp có dự báo có KQKD tốt có thể đã được phản ánh phần nào trong thời gian qua. Do vậy, sẽ hợp lý hơn nếu NĐT nhìn nhận những nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong khung thời gian dài hơn khoảng 3-6 tháng sau đó.
Nhìn rộng hơn về nửa cuối năm 2023, chuyên gia cho rằng thị trường được kỳ vọng lạc quan hơn so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, khả năng thị trường có một cú bứt phá mạnh trong giai đoạn này không nhiều.